Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

TÌNH YÊU

 

YÊU

Yêu là nhớ là thương là hy vọng

Suốt ngày đêm chờ ngóng tin nhau

Vừa chia tay lúc gà gáy đêm thâu

Tỉnh giấc mộng lệ sầu rơi lả chả.

 

Yêu là để con tim rộn rã

Vừa rời nhau đã quặn tim đau

Để tình yêu ngự trị trên đầu

Không tính toán vì sao như thế!

 

Yêu là ghen, giận hờn ích kỷ

Suốt ngày đêm lo nghĩ về nhau

Dù bạn thân cũng chẳng tin đâu

Ai thoát được sang giàu phú quý?

 

Trong tình yêu không có lòng vị kỷ

Lời vị tha là dối trá trăng hoa

Của lũ ong, lũ bướm la đà

Bất chợt đến, bất chợt qua, ai biết?

 

Yêu là thấy trời cao xanh biếc

Chim rộn ca tha thiết mê say

Hoa thơm lừng tỏa ngát đêm ngày

Và cuộc sống, chao ôi đẹp quá !

 

 

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Câu ca dao hay

 

NHỚ THUỐC LÀO - NỖI NHỚ NGƯỜI YÊU

Nhớ ai như nhớ thuốc lào

Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.

Ngày xưa, các cụ chắc nghiện thuốc lào lắm. Nghiện đến mức “chôn điếu xuống” (quyết vứt bỏ) nhưng không cưỡng được cơn nghiện “lại đào điếu lên” (tìm lại, đào lên). Đầu óc lúc nào cũng nhớ thuốc lào khi đang cai thuốc. Từ nỗi nhớ khổ sở, dằn vặt, trằn rọc, day dứt không tả hết ấy (nỗi nhớ dễ nhận biết, ai từng nghiện thuốc lào đều đã trải qua), tác giả bài ca dao chọn làm đối tượng để so sánh với tâm trạng của người đang yêu, đang nhớ quay quắt, cồn cào. Cái hay của câu ca dao nằm ở chi tiết “chôn điếu” chứ không phải chẻ, chặt điếu, đốt điếu; nghĩa là không hủy hoại mà cố quên đi, nén lại.

Từ “ai” vốn mang nghĩa phiếm chỉ nhưng đặt trong câu ca dao: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên” trở nên cụ thể, rõ ràng. Đó là đối tượng mà nhân vật trữ tình đang nhớ. Đối tượng làm cho nhân vật trữ tình quên ăn, quên ngủ. Vừa chợp mắt, hình bóng người ấy lại hiện về trong giấc mơ. Bao khao khát, ước ao yêu thương trỗi dậy dày vò, xé nát tim yêu.

Nhớ như thế, cớ sao phải chôn chặt nỗi nhớ, phải tự hành hạ bản thân đến khổ sở như vậy? Tác giả câu ca dao không nói ra, là chỗ để người đọc tự suy ngẫm, là sự tinh tế của thể loại “mạch kị thẳng, ý kị lộ” (Lê Quý Đôn). Sự khổ sở về tình yêu, không dứt ra được có thể do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Tình yêu đơn phương

Anh chàng yêu tha thiết, đắm say nhưng không được nàng đáp lại, “thư đi không thấy thư về”. Sau nhiều lần tỏ tình thất bại, anh hậm hực quyết chí từ bỏ nhưng không bỏ được. Hình bóng nàng ngày đêm vẫn nhảy nhót, reo ca trong tâm trí anh, cựa quậy trái tim đa tình của anh.

Thứ hai: Đang vướng bận gia đình

Chàng hay nàng hoặc cả hai đang “đeo gông vào cổ” nhưng gia đình anh không thật hạnh phúc, tình cảm vợ chồng có chỗ không ổn. Cũng có thể anh chàng là người thích hướng ngoại, khao khát tìm đến cái mới. Biết đó là tình yêu ngang trái, thường bị dư luận xã hội lên án nhưng anh đã lỡ yêu, đang yêu tha thiết, mãnh liệt, cháy bổng. Ý thức được điều ấy, anh muốn dừng lại, muốn từ bỏ, hạ quyết tâm “chôn điếu xuống” nhưng thương thay tất cả ý chí, nghị lực đều phải đầu hàng trái tim đang yêu!

Riêng tôi nghiêng về nguyên nhân thứ hai. Cả hai phải yêu nhau rất thắm thiết mới nhớ đến như thế. Nhớ trở thành “nghiện” (nhớ ai như nhớ thuốc lào), trở thành động cơ điều khiển mọi hành động (chôn điếu xuống lại đào điếu lên).

Hút thuốc lào không tốt, phải cai, phải từ bỏ, nhưng người cai vẫn nâng niu, trìu mến, yêu thương cái điếu cày gần gũi, thân thương. Người đang yêu tuy có băn khoăn, day dứt nhưng anh vẫn nhớ.

Cả người nghiện thuốc lào và người đang yêu đều không từ bỏ được đối tượng, dù hạ quyết tâm rất cao. Tuy nhiên, thông điệp mà tác giả câu ca dao hướng đến là tình yêu nam nữ. Chính danh hay không chính danh, một khi đã gắn chặt tình yêu dễ gì từ bỏ được. Điều này đã được Đại thi hào Nguyễn Du khái quát trong “Truyện Kiều”:

Cho hay là giống hữu tình,

Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong.

Càng ngẫm, càng thương, càng cảm phục và thấm thía!

Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2021

Trời đang đông

 

KHI TRỜI ĐANG ĐÔNG

Có khi em thật yêu kiều

Mắt huyền ấm áp những chiều mùa đông

Đong đầy khao khát ước mong

Tiếng ca thánh thót vui cùng nắng xuân.

 

Có khi em cứ bần thần

Một mình lặng đếm bước chân rã rời

Buồn vui hãy sẻ làm đôi

Để anh chia sớt u hoài tháng năm.

 

Ngày vui như ánh trăng rằm

Sáng trong bát ngát. Âm thầm lặng trôi

Thoáng chốc trăng đã lặn rồi

Hãy vui khi cả đất trời đang đông!

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

Tháng Chạp

 

NHỚ THÁNG CHẠP

          1. Hồi đang ở quê, vào những ngày cuối năm, mẹ tôi thường than thở: “Tháng Chạp nhức trốc (đau đầu), bao nhiêu tiền gạo dồn hết vào Tết, ra Giêng Hai không biết lấy chi mà ăn”. Một lần, tôi hỏi sao lại gọi tháng 12 là tháng Chạp, mẹ nói không biết. Tôi đem thắc mắc này nhờ cụ nhiều chữ nhất xóm giải đáp. Cụ không giải thích mà chỉ nói tháng Chạp còn gọi là tháng củ mật, ngọt ngào nên có thể mọi người mong thời gian trôi thật chậm (chậm chạp).

Không bằng lòng với cách cắt nghĩa trên, hôm sau đi học, tôi tìm gặp Thầy dạy Lịch Sử hỏi. Thầy bảo: Dương lịch căn cứ vào vòng quay mặt trời. Âm lịch căn cứ vào chu kỳ mặt trăng. Đêm nào trăng tròn là giữa tháng. Dân gian có cách tính: “mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa, mồng ba câu liêm,… mười rằm trăng náu, mười sáu trăng treo, mười bảy sảy giường chiếu, mười tám rám trấu…”. Dương lịch có 12 tháng từ tháng 1 đến tháng 12. Âm lịch chỉ có 10 tháng. Hai tháng cuối năm và tháng đầu năm gộp lại thành một (tháng Một, tháng Chạp và tháng Giêng). Còn vì sao gộp ba tháng ấy lại thì chờ khi nào sang thế giới bên kia, đến hỏi người phát minh ra lịch âm em nhé! Nói xong, thầy cười gượng. Biết chẳng hỏi thêm được gì hơn, tôi cảm ơn Thầy ra về

Thời ấy không có sách, cũng chẳng có mạng internet để tra cứu, đành chấp nhận hai cách giải thích trên. Sau đó cuốn vào học hành và công việc kiếm sống, nuôi con nên quên béng điều thắc mắc trẻ con ấy. Bây giờ, trở thành vua thời gian, sách báo nhiều, mạng xã hội sẵn, tôi mới gõ google tra cứu.

Báo Thethaovanhoa.vn, ngày 17/2/2018, trong bài “Tại sao gọi tháng Giêng, tháng Chạp thay cho tháng 1, tháng 12 âm lịch?”, lý giải:

Thứ nhất: Chữ “Chạp” trong chữ Nôm của ông cha ta bắt nguồn từ chữ “Lạp” trong tiếng Hán (đọc chệch “lạp” thành “chạp”). Tại Trung Quốc, tháng 12 âm lịch còn được gọi là Lạp Nguyệt. Khi nhắc tới chữ “Lạp” tức là nói tới hành động đi “Chạp mả”, đi thăm và dọn dẹp, sửa soạn lại mồ mả cho tổ tiên.

Thứ hai: Chữ “Lạp” trong tiếng Hán cũng có nghĩa là Thịt. Thời gian cuối năm để chuẩn bị cho mùa đông buốt giá người ta phải tích trữ lương thực. thực phẩm để đương đầu với đói rét mà ở đây thịt là nguồn thực phẩm quan trọng. Người Việt chúng ta quen thuộc với chữ “Lạp” trong từ “Lạp xưởng”. Thực chất “Lạp xưởng” bắt nguồn từ món “Lạp trường” của người Hoa – một món ruột ban đầu dùng để cúng.

GS. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, trong bài “Vì sao tháng 12 Âm lịch được gọi là tháng Chạp” (Dantri.com.vn, ngày 29/12/2016), cũng lý giải như trên. Giáo sư còn cho cho biết “củ mật” không phải là một loại củ giống như củ khoai, củ sắn, củ cải…mà là một từ Hán Việt, trong đó, củ là kiểm, ý nghĩa là kiểm soát; mật là cẩn mật, cẩn thận.

Như vậy, tháng Chạp bắt nguồn từ tên gọi tháng 12 âm lịch là “Lạp Nguyệt” của người Trung Quốc. Đây là tháng cuối năm (tháng củ mật), mọi người phải nhắc nhau cảnh giác, kiểm soát tất cả mọi mặt trong cuộc sống để chống lại trộm cướp, cháy nổ, tai họa không may do sự hớ hênh của con người.

2. Những năm nửa cuối thế kỷ XX, tháng Chạp quê tôi đang mùa cày cấy. Mưa dầm, gió bấc, trời rét căm căm nhưng hàng ngày bà con xã viên vẫn dắt trâu ra đồng cày bừa, nhổ mạ và cấy lúa cho kịp ăn tết. Buổi sáng rét buốt cắt da cắt thịt nhưng người lớn vẫn đánh trâu bò ra đồng cày bừa, trẻ con vác nhủi, rổ, sàng xúc cá. Bừa vài vòng, nước đục ngầu, bùn sền sệt, cá lớn bơi lờ đờ, cá tép trôi theo đường bùa tha hồ xúc, nhủi. Đến lúc mở cày (cày bừa xong), người nhủi có hơn nửa oi (giỏ), người xúc cũng gần nửa nồi nhỏ cá.

Cá nhiều nhất là ở cánh đồng Cơn Ràng. Vùng đó vừa rộng, vừa nước sâu, ba phía là cồn với núi, lại sát nghĩa địa Cồn Chiêm, Nhà Dinh. Cồn Chiêm là bãi tha ma trẻ con chết yểu lúc vùa lọt lòng hoặc dăm bảy tuổi. Thỉnh thoảng dân làng vứt chó con vào đây. Những đêm tối trời nghe tiếng kêu văng vẳng cứ ngỡ là tiếng khóc của trẻ rất rùng rợn. Nhà Dinh là doanh trại đầu thế ký XV của nghĩa quân Cốc Sơn do Nguyễn Tuấn Thiện làm chủ tướng. Sau này, dân xóm Trùa chọn vùng này làm nghĩa địa.

Rốn cánh đồng Cơn Ràng khoảng vài sào, nước sâu đến háng, năn lác um tùm, là nơi trú ngụ của những loại cá to. Khi những đám ruộng xung quanh cày bừa, cá gáy (chép), cá rènh (diếc), cá tràu (lóc), cá rô “chạy nạn” đến đây. Nước to, năn lác rong rêu nhiều, ban ngày không thể úp nơm được, chúng tôi phải đi soi đêm.

Ngày nay soi cá thật đơn giản, chỉ cần chiếc đèn pin xạc điện treo trên trán, cái kích điện và giỏ đựng cá là có thể đi soi cá đêm. Cá lớn, cá bé một khi bị gí điện vào đều lăn quay ra, người soi chỉ việc cúi xuống nhặt bỏ vào giỏ. Còn thời chúng tôi đi soi cá phải sắm một chiếc đèn soi. Cũng là đèn dầu hỏa nhưng có thêm chụp phía trên để tập trung ánh sáng và giá treo nối với một cây gậy để cầm. Tôi rủ Long, nhà bên cạnh, cùng đi cho đỡ sợ ma. Tôi cầm đèn, nơm; Long cầm nơn và mang giỏ. Mỗi khi thấy cá, tôi úp nơm, Long đưa nơm kia cho tôi và cúi xuống bắt cá. Cứ thế, chụp, đổi nơm, bắt cá liên tục. Khi nào cá đầy giỏ hoặc đèn hết dầu mới về. Một lần, có chú cá tràu to đang mải miết dạo chơi, tôi nhanh tay chụp được. Nó quẫy đạp, vẫy vùng như muốn hất cả người tôi ra. Long lao đến trợ sức, đè chặt. Khoảng 10 phút sau cá mệt, chúng tôi mới bắt ra được. Chao ôi con cá to, đen bóng, nặng khoảng 2 cân. Lần đầu tiên và duy nhất tôi và Long soi được con cá tràu to như thế. Trên đường về, hái đứa bàn chia đôi nhưng khi vào nhà Long, mẹ cậu ấy nói con này để cho anh Thanh. Mừng hết chỗ nói, vừa nhảy chân sáo vừa hát thầm mang con cá về thả vào chum, sáng mai khoe với mẹ.

Tháng Chạp, ngoài việc đồng áng, các bà, các mẹ còn tranh thủ chạy chợ kiếm tiền sắm tết. Nhà có vườn thì bán cam bù, chè, chuối, trầu cau, sau này có thêm lê ki ma (quê tôi gọi là lòng đỏ trứng gà). Người vườn hẹp hoặc không trồng được các loại cây mùa này thì mua hàng chợ Rạp gánh xuống chợ Gôi bán kiếm tí lời. Xóm tôi, người có cây lê ki ma đầu tiên là chú Đạt. Không biết chú lấy giống ở đâu và trồng khi nào nhưng một lần đến chơi tết, tôi thấy trước cửa bếp nhà chú cây sum suê trĩu quả. Hồi ấy lê ki ma hiếm và quý. Nể lắm chú mới cho một quả. Có năm bão lụt, cây bị bật gốc, chú nhờ thanh niên cả xóm đỡ lên, đắp thêm đất và dùng dây chằng lại. Mấy năm sau, nhà nào cũng trồng một vài cây lê ki ma nhưng lúc này bán không ai mua, lại phải chặt bỏ.

Tầm mồng 10 đến 15 tháng Chạp, buổi chiều các anh chị học cấp 3 và những người không phải ra đồng, vác đòn xóc, cầm liềm, dây lạt vào Cơn Lim, Cồn Ông bứt vọt về phơi nấu bánh chưng. Vọt mọc thành bãi sum suê, bứt một loáng là xong nhưng sợ rắn lục. Phải lấy đòn xóc đập vào bụi một lúc cho rắn chạy rồi mới bứt. Sau đó, buộc thật chặt, cắm đòn xóc vào không bị lung lay, gánh mới dễ. Hai bó vọt to, che kín trước sau, người gánh nhìn xuống phía trước chân mà đi. May là đường núi, không có xe cộ chứ như ngày nay dễ bị tai nạn. Những năm tôi đi học đại học, vừa về nghỉ tết, mẹ bảo mai đi bứt cho gánh vọt. Tầm 24-25 tết, núi đồi vắng hoe, một mình cặm cụi cắt, vừa buồn vừa tủi nhưng về đến nhà vẫn tươi cười cho cha mẹ vui. Vọt bứt muộn, lại mưa phùn nên còn tươi. Lúc nhóm bếp phải dùng củi, sau đó mới đưa vọt vào.

Những nhà nuôi bò hợp tác, ngày cận tết còn quảy sảo, quang gánh đến Cơn Dè, Cồn Chua bên Sơn Mai cắt cỏ về cho bò ăn tết. Cỏ đồi mọc xen trong sim, mua đầy gai góc, đường lại xa, cả ngày chỉ cắt được một gánh cỏ nhưng không đi cắt lấy gì cho bò ăn trong 5 ngày tết?

Khoảng 28 tết, hợp tác mới phân cho mỗi đội sản xuất một con bò đào thải (bò già yếu không cày bừa được nữa). Vài chục người hồ hởi đến kho hợp tác, vây vòng trong, vòng ngoài xem mổ bò. Con bò già gầy nhom, bụng lẹp kẹp, trơ xương ra được gần chục người đàn ông trung niên kéo dây cho ngã xuống, đè nghiến chọc tiết. Nhiều người cầm sẵn cái bát hứng máu nóng uống ngon lành. Một năm, chú Bé, người chuyên được làm thịt bò tết nói với cha tôi: “Chút nữa anh bảo thằng Thanh cầm cái nồi xuống kho em lấy cho ít huyết mần tiết canh”. Khi nghe tiếng bò rống, tôi vội vàng cầm nồi chạy xuống, chú hứng cho khoảng lít máu trong sự nhạc nhiên của mọi người. Cầm nồi máu về nhưng tôi biết đang có hàng chục ánh mắt tiếc rẻ, bực bội chiếu theo. Giờ nghĩ lại, thấy họ phẫn nộ cũng đúng vì tiết bò sau đó luộc, cắt ra chia. Lít tiết ấy luộc lên sẽ thêm cho mỗi nhà một lát. Đĩa tiết xào giá cúng tết sẽ đầy hơn!

Thời ấy, quê tôi ngày tết có hai món ăn lạ là chả xương và giá xào tiết bò. Gọi là chả xương nhưng thực ra là xương lợn băm thật mịn, vo thành cục (có người còn lấy lá môn gói lại) sau đó nấu mặn lên. Còn món tiết xào giá, chủ yếu là giá đỗ, tiết cắt nhỏ trộn vào cho đỡ trắng, thêm màu mè như kiểu đôi mắt không đẹp thêm cặp kính râm.

Những nhà đông người, nhiều miệng ăn, nhiều cám gạo, nộp đủ chỉ tiêu lợn hơi cho hợp tác, được cấp giấy phép sát sinh, mổ con lợn cỏ tầm 3 yến ăn tết. Lợn ăn cám trộn cây chuối chậm lớn nhưng thịt săn, nhiều nạc rất ngon. Nhà nào mổ lợn cả xóm biết ngay. Những nhà không có lợn và không có tiền mua thịt lợn ngoài chợ đến vay một cục, đến mùa trả bằng tiền hoặc bằng lúa.

Những phiên chợ cuối năm, các bà các chị tất bật gánh trầu cau, cam chè ra chợ bán lấy tiền mua cá biển nướng, lá dong, giang lạt về chuẩn bị gói bánh. Những nhà khá giả hơn, trước đó đã mua trữ cá mát sông Con, mua hành về mối dưa. Còn các ông, các anh dạo phố, dạo chợ mua câu đối, pháo tết. Nhà nào tết đến cũng có “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”...

Tháng Chạp cũng là tháng chặt mía, dựng che ép mật. Cuối tháng Một, đầu tháng Chạp, mía già, bắt đầu trổ bông lau. Nếu không chặt kịp, ruột mía sẽ xốp, độ đường giảm. Quê tôi đất trồng mía không nhiều. Mía được trồng chủ yếu ở xóm Vạn và các cồn nổi giữa đồng. Nhà nhiều vài sào, nhà ít vài trăm thước (mét vuông). Khi các che (dụng cụ ép mía làm bằng hai cây gỗ tròn lớn, phía trên có đục răng cưa, phía dưới có trụ ở giữa, đặt vào lỗ tròn của tấm gỗ dày. Cột cao nối với cần dài, nằm ngang, gắn với cái ách để trâu bò kéo đi vòng tròn) được dựng lên trong các kho hợp tác, ông đội trưởng xếp lịch cho từng nhà. Ai đến lượt thì chiều hôm trước chặt mía vác về xếp trong kho chờ ngày hôm sau ép.

Lũ con nít chúng tôi thường dắt bò đến bãi chặt mía hoặc kho kéo che để mót ngọn, bã mía cho bò ăn. Mùa đông cỏ không lên nổi, bã và đọt mía ngọt, bò nhai rau ráu. Đứa gan mon men đến gần chủ nhà xin khúc mía. Đứa nhát thì xin lại bạn hoặc bẻ lóng non trên đọt, dùng răng róc, ăn ngon lành.

Buổi tối, lò sắc mật lửa đỏ rực. hơi ấm của than, hơi thơm của mật quyến rũ vô cùng. Người sắc mật luôn tay đẩy củi vào lò và vớt bọt nổi trong chảo ra. Sau khi đun vài tiếng, nước mía rất thơm nhưng chưa đặc (quê tôi gọi là nước chè) được múc sang chảo bên cạnh, lửa liu riu. Lúc này, lấy vài khúc sắn, củ khoai dùng lạt buộc chặt lại, bỏ vào chảo. Sau khi mật đặc vớt ra, ăn một lần nhớ mãi. Sắn khoai deo lại, cứng đều, mật thấm vào trong vừa ngọt vừa bùi. Có điều, chủ nhà thường không cho. Họ nói bột sắn, bột khoai làm mật kém chất lượng nhưng tôi nghĩ họ sợ hao mật (thấm vào khoai, sắn). Tiếp đó, nước mía vừa ép xong lại đổ vào chảo có lửa to, sắc từ đầu. Cứ như thế cho đến lúc nhà đó hết mía mới đổ dồn tất cả nước chè vào một chảo lớn, nấu cho đến khi đặc. Càng về khuya, gió càng to, mùi thơm ngào ngạt của mật càng lan xa theo gió, luồn qua khe nứa vào tận từng mái nhà tranh. Sáng hôm sau, mật nguội, chủ gánh về nhà đổ vào chum cất kĩ. Người tiếp theo lại dắt bò, nhờ người ép mật đến làm.

Từ 20 tháng Chạp không khí tết đã tràn về làng quê. Tỉnh thoảng đì đẹt tiếng pháo chuột của trẻ con đốt sớm. Già trẻ, trai gái đều háo hức. Bữa cúng ông Táo về trời, cả nhà thực sự được ăn thịt. Mâm cúng có gà, thịt lợn, cá, trứng vịt luộc, rau xào, dưa chuột băm trộn và một đĩa xôi to bự. Ăn khoai, ăn sắn; chịu đói rét gần hai tháng, nay được bữa xôi thịt người lớn vui, trẻ con rạng rỡ, tươi tỉnh như được dự bữa tiệc yến.

3. Vườn nhà tôi khoảng ba sào, ở giữa trồng chè, cam, quýt, tắt, xung quanh trồng chuối, mít, bưởi, trám, kè (cọ) và một cây chay, hai cây bồ kết tự mọc. Sau này, cha tôi dạy học ở Sơn Tây mang về chục cây cà phê mít, trồng đầu hồi, sau hè. Cha tôi dạy học nhưng lập vườn rất giỏi. Mùa hè, ông bảo chị em tôi đi gánh đất trau (đất cày khô ở ruộng) về đắp vào gốc cây. Mùa cày bừa, gánh nhả bừa (rơm rạ cỏ dính bùn, khi bừa đổ lên bờ) về trộn phân bò phân lợn làm phân. Sau mỗi vụ thu hoạch, ông dùng cuốc cào bới rễ theo mép lá cây, rồi bón phân ủ hoai cho chanh, cam, quýt. Khi cây ra hoa, phun thuốc trừ sâu... Bởi thế, năm nào cam quýt nhà tôi quả cũng trĩu cành. Từ xa đã nhìn thấy màu vàng tươi rất thích mắt. Mẹ nhỏ yếu, chị đi dân công nên buổi sáng đi học, tôi phải gánh hàng giúp mẹ lên bãi đón. Dọc đường rất sợ bạn học nhìn thấy. Chúng nó mà thấy sẽ thêu dệt và trêu đi buôn (hồi ấy gọi là “con buôn”, rất nhục và xấu hổ).

Cam bù vàng óng, mọng nước cũng là món khoái khẩu của bốn thằng cùng xóm, cùng khóa cấp 3 chúng tôi. Ngày đi học, trong túi đựng sách vở (hồi ấy không ai có cặp cả) thế nào cũng có vài quả cam. Khi đến rú Hoa Bảy hay Động Quang mới đem ra ăn. Đêm học nhóm, tầm 9 giờ ra ngoài giải lao nhưng thực chất là hái mỗi đứa một trái cam, đi thật xa nhà mới bóc ăn. Giống cam bù có mùi thơm, ăn gần nhà sợ cha mẹ phát hiện. Cam nhà mà lén lút như ăn trộm, hi hi.

Nhà tôi, mỗi năm thu được khoảng 5 cân cà phê mít. 28 tết, cha sai chị em tôi rang, giã cà phê. Cà phê rang chảo bằng củi vừa mệt vừa lâu. Đầu tiên, cà phê rang trên chảo không bỏ mỡ. Khi thấy hạt cà ngả màu vàng sậm, sắp chuyển sang màu đen mới cho mỡ gà vào. Có như thế hạt cà bên ngoài không cháy, bên trong chín đều. Rang tầm một tiếng nữa, đổ vào cối giã, rây. Cà phê trên rây giã tiếp rồi rây. Cứ như thế cho đến khi hết cà phê trên rây. Mỗi tết thường rang hai mẻ, mất cả buổi sáng.

Xa tháng Chạp quê gần 40 năm nhưng những mái nhà tranh phên nứa thấp lè tè, từ tinh mơ đến khuya đỏ lửa, những con đường đất mỡ gà lầy lội, trơn trượt, những cánh đồng bậc thang đầy cá tôm vẫn hiện hữu trước mắt tôi. Mùi thơm từ chảo mật, từ nồi bánh chưng đang bốc khói, từ mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà cuối năm vẫn in đậm trong trái tim tôi.

 

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

CÔ TẤM CÓ THẢO HIỀN KHÔNG?

 

VỀ NHÂN VẬT TẤM TRONG TRUYỆN “TẤM CÁM”

          1. Từ cuối thế kỷ XX trở về trước, truyện “Tám Cám” được đưa vào Chương trình và SGK từ tiểu học đến THPT. TH truyện “Tấm Cám” được học ở phân môn Kể chuyện, THPH học ở môn Giảng văn. Khi giảng bài này, giáo viên thường chia ra hai tuyến nhân vật thiện/ ác. Cô Tấm, bà hàng nước, vua và ông bụt thuộc tuyến thiện. Gì ghẻ, Cám thuộc tuyến ác. Có lúc say sưa, giáo viên còn gắn cho mẹ con Cám thuộc giai cấp thống trị bóc lột “ngồi mát ăn bát vàng”. Bởi vậy, khi nói đến nhân vật Tấm người ta nghĩ ngay đến phẩm chất dịu hiền, hiếu thảo. Trong bài thơ “Cô giáo với mùa thu”, Vũ Hạnh Thắm đã ví cô giáo như cô Tấm:

“Cô giáo em

Hiền như cô Tấm

Giọng cô đầm ấm

Như lời mẹ ru.”

Từ năm 1979, thầy Hoàng Tiến Tựu, Chủ nhiệm khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh, mặc dù chưa đưa ra cách đánh giá khác về nhân vật Tấm trong truyện “Tấm Cám” nhưng khi dạy bài “Khái quát văn học dân gian” cho sinh viên khóa 19, Thầy đã không đồng tình với quan điểm của GS. Đinh Gia Khánh trong công trình “Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám” (Nxb Khoa học Xã hội, tháng 2/1966). Theo Thầy, truyện “Thạch Sanh” mới là truyện cổ tích điển hình nhất của người Việt (vừa có đầy đủ các phẩm chất hiền lành, thật thà, dũng cảm, nhân ái, vị tha vừa thực hiện tốt triết lý “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” của nhân dân).

Đầu thế kỷ XXI, trong bài “Giảng truyện Tấm - Cám ở trường phổ thông” (Văn học… gần & xa, Nxb Giáo dục, 2003) GS. Hoàng Ngọc Hiến đưa ra quan điểm trái ngược với quan niệm truyền thống. Theo GS, SGK và SGV lớp 7, tập 1, phần hướng dẫn giảng văn truyện “Tấm Cám” chỉ nhấn mạnh hai tư tưởng:

Một là, trong cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng thiện và ác, cuối cùng thắng lợi thuộc về bên thiện.

Hai là, sức sống của chính nghĩa dù bị cản trở vẫn cứ vươn lên, tồn tại và ngày càng rực rỡ hơn.

Mà chưa đề cấp đến tư tưởng trả thù. Ở giữa truyện, tư tưởng này đã gào lên bằng những lời hăm dọa dữ dằn: “Tao vạch mặt ra”, “ta cào mặt ra”, “chị khoét mắt ra”… Đến phần kết thúc truyện, tư tưởng này bộc lộ bằng hành động trả thù hết sức dã man của Tấm: Tấm đã lừa Cám nhảy xuống hố và đổ nước sôi xuống cho chết tươi. Sau đó, ướp xác Cám (em cùng cha khác mẹ với mình) làm mắm, bỏ vào chĩnh đem biếu mẹ Cám và mẹ Cám cũng mắc mẹo lừa của Tấm.

Trong văn học Việt Nam, không có sự tích báo thù nào man rợ và thâm độc bằng hành động trả thù của Tấm. Truyện “Tấm Cám” kết thúc bằng sự toàn thắng và sự lên ngôi của tư tưởng “trả thù” được hiện thân ở nhân vật Tấm.

Sau đó, GS bàn luận về hành động “độc ác” của Tấm và Cám: “Công bằng mà nói, so với Cám, hành động của Tấm tàn bạo hơn. Trừ lần đầu trút tôm tép của chị vào giỏ của mình, tất cả những lần độc ác sau, Cám bị động do sự xúi giục của mẹ (một hoàn cảnh giảm tội). Tấm thì hoàn toàn chủ động, có suy tính trong việc giết Cám cũng như trong việc làm cho mẹ Cám phát cuồng chết tươi (…). Cái chết rùng rợn của mẹ con Cám, hoàn toàn do mưu mẹo thâm độc và hành động độc ác của Tấm”.

Bài viết của GS. Hoàng Ngọc Hiến được hầu hết giới nghiên cứu phê bình văn học và độc giả đồng tình, coi đây là phát hiện mới mẻ, độc đáo, sâu sắc. Nhiều người đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không đưa truyện Tấm Cám vào Chương trình giảng dạy cho học sinh phổ thông. Tuy vậy, vẫn có một số ít ý kiến bảo vệ quan điểm truyền thống.

Có người dựa vào thi pháp truyện cổ tích, cho nhân vật Tấm là nhân vật chức năng, thực hiện triết lý “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” của nhân dân.

Có người lập luận: Truyện cổ tích Tấm Cám ra đời khi mối quan hệ con người có những rạn nứt, tình anh em, chị em trong gia đình đã có những xung đột, mâu thuẫn. Tấm trả thù giết mẹ con Cám là để giải quyết mâu thuẫn tốt/ xấu; thiện/ ác. Theo họ, câu dăm dọa: "Cót ca, cót két/ Lấy tranh chồng chị/ Chị khoét mắt ra”" là ngôn ngữ của cổ tích – đặc điểm của ngôn ngữ của cổ tích là vần vè, trong lời của chim vàng anh, lời của khung cửi đó là những cách nói rất vần vè.

2. Theo chúng tôi, những ý kiến cho việc Tấm trả thù mẹ con Cám không tàn ác, đó “là chân lý: tích thiện phùng thiện, ác giả ác báo” và khẳng định Tấm tiểu biểu cho người phụ nữ Việt Nam bình dị, đoan trang, thảo hiền, “dù thế nào cũng hãy gọi như xưa: Em là cô Tấm thảo hiền…” thuộc loại bảo thủ, suy nghĩ theo lối mòn, nếp cũ. Những người này hoặc chưa nắm vững thi pháp truyện cổ tích hoặc cố tình hiểu sai để ngụy biện. Nhân vật Tấm là nhân vật hành động chứ không phải nhân vật chức năng. Trong truyện “Tấm Cám”, nhân vật chức năng là ông Bụt, chuyên thực hiện chức năng giúp đỡ khi nhân vật chính gặp trắc trở không giải quyết được (đã 4 lần hiện lên giúp Tấm) và phần nào là ông vua và bà bán nước. Thêm nữa, không thể bào chữa câu dăm dọa: "Lấy tranh chồng chị/ Chị khoét mắt ra” là ngôn ngữ của cổ tích – đặc điểm của ngôn ngữ của cổ tích là vần vè. Chả lẽ chỉ có từ “khoét” và cụm từ “khoét mắt ra” mới tạo vần vè mà không thể tìm từ khác và cách nói khác?

Sau khi đọc bài “Giảng truyện Tấm - Cám ở trường phổ thông” của GS. Hoàng Ngọc Hiến, chúng tôi như người mất phương hướng khi lạc giữa rừng rậm, bỗng tìm thấy la bàn và con đường phía trước. Trong đầu luôn xuất hiện câu hỏi: sao trong kho tàng truyện cổ người Việt lại có câu chuyện trả thù rùng rợn, tàn bạo của chị em trong một gia đình? Trên thế giới cũng có motyp truyện dì ghẻ-con chồng như “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, “Cô bé lọ lem” (Truyện cổ Grimm) nhưng không có cảnh chị em cùng cha khác mẹ trả thù ghê rợn như vậy.

Truyện “Bạch Tuyết và bảy chú lùn” kể về tội ác của bà hoàng hậu dì ghẻ xinh đẹp nhưng mang lòng đố kỵ, ganh tỵ, tìm mọi cách tiêu diệt Bạch Tuyết vì nàng ngày càng đẹp hơn bà. Tuy vậy, cuối truyện tác giả vẫn để cho bà ta tự chết: “Khi bước vào phòng, mụ nhận ra cô dâu xinh đẹp là Bạch Tuyết. Sợ hãi và hoảng loạn, mụ uất lên, lăn đùng ra chết”.

Còn truyện “Cô bé Lọ Lem” kể về cuộc đời khổ cực, cay đắng của Lọ Lem khi bị dì ghẻ và hai đứa con riêng hành hạ. Nhưng kết thúc truyện, tác giả để cho chim trừng phạt hai chị em con dì ghẻ: “Khi đám cưới của hoàng tử được tổ chức thì hai cô chị cũng đến phỉnh nịnh để mong hưởng phú quý. Lúc đoàn đón dâu đến thì cô chị cả đi bên phải, cô em đi bên trái. Chim câu mổ mỗi cô mất một mắt. Sau đó khi họ trở về thì cô chị đi bên trái, cô em đi bên phải, chim câu lại mổ mỗi cô mất một mắt nữa. Cả hai chị em suốt đời mù lòa, vì bị trừng phạt do tội ác và giả dối”.

So với các nhân vật cổ tích có cùng motyp, rõ ràng hành động trả thù của Tấm mưu mô, xảo quyệt, tàn bạo và độc ác hơn nhiều. Tính cách của Tấm cũng thay đổi theo năm tháng. Lúc nhỏ Tấm là một cô bé mồ côi mẹ thật thà, hiền lành, hay lam hay làm. Theo năm tháng, Tấm tiêm nhiễm thói lừa lọc, xảo trá, bất nhân từ gì ghẻ. Khi trưởng thành, đằng sau bộ mặt xinh đẹp, lời nói dịu dàng là một kẻ đáng sợ, lấy việc trả thù làm niềm vui, làm lẽ sống!

Chúng tôi nghĩ, không phải sau khi sống lại, Tấm mới khôn lên, mới ghê gớm mà chủ yếu trước đó cô chưa biết dựa vào ai để phản kháng, trả thù. Ông Bụt chỉ giúp làm việc thiện chứ không bao giờ giúp làm điều ác (hiền như Bụt). Chỉ khi dựa vào thế lực vua, Tấm mới ra tay và càng ngày càng xứng đáng: “Đàn bà dễ có mấy tay/ Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan”?

Chúng tôi cũng chợt nghĩ, những học sinh nào sau khi đọc kĩ bài “Giảng truyện Tấm - Cám ở trường phổ thông” của GS. Hoàng Ngọc Hiến mà được cô giáo hay người lớn khen: “em dịu hiền như cô Tấm” sẽ giãy nãy lên vì nghĩ người lớn đang khen đểu!

Chúng tôi không đồng tình với hành động trả thù hết sức dã man của Tấm (lừa giết em bằng nước sôi, ướp xác làm mắm để dì ghẻ ăn thịt con cho đến khi phát hiện sự thật đã lăn ra chết) nhưng không có nghĩa là để bao che cho tội ác của mẹ con Cám mà vẫn lên án những việc làm xấu xa, bỉ ổi, tàn ác của họ (nhất là thủ đoạn của mụ dì ghẻ).

 

Trích vài bình luận của độc giả

1. Nguyễn Quang: Văn bản dù được viết ra bằng giấy trắng mực đen hay truyền miệng thì bản thân nó luôn chứa những ý nghĩa do người tạo ra nó gửi gắm qua ngôn từ và hình tượng nghệ thuật! Vấn đề phức tạp dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau của các thế hệ độc giả về cùng 1 văn bản qua những giai đoạn lịch sử xã hội là bởi sự định hướng của cơ quan phụ trách TT, VH và GD của chính thể và trình độ tri nhận của số đông độc giả! Quay trở lại văn bản Tấm Cám thì có lẽ lứa tuổi chúng ta (những người sinh ra sau 1945) đã được/bị định hướng tiếp nhận các tp văn học 1 cách khá cứng nhắc nặng về ý thức giai cấp nên phần đa chỉ thấy những chi tiết lệch chuẩn về đạo đức người tiểu nông của mẹ con Cám (những hành vi này kh nên hiểu là áp bức hay bóc lột) mà ít có sự cảm thông với họ! Mặt khác, chỉ khi chúng ta được tiếp cận 1 cách đầy đủ về lí thuyết tiếp nhận hiện đại thì lại càng có cơ sở để hiểu hơn về ý nghĩa của câu chuyện này. Cô Tấm chỉ ngoan hiền (thậm chí nhu nhược) khi không có ai bảo vệ thôi. Khi đã có thế lực "bảo kê" thì ngay tắp lự Tấm trở nên đanh đá cá cầy gớm ghê mỗi khi có cơ hội. Nàng cũng nhanh chóng bị tha hóa bởi quyền lực và vật chất như bất cứ kẻ cơ hội nào... Do đó truyện Tấm Cám có những giá trị, ý nghĩa tường minh như cách cắt nghĩa của các vị GS đáng kính mà tác giả Công Nguyễn đã đề cập ở bài viết. Bên cạnh đó, theo tôi, từ xa xưa, các tác giả dân gian còn cố tình "gài" vào đó sự cảnh báo một nguy cơ mà ngày nay chúng ta đã thấy xảy ra khắp nơi, đó là chuyện cậy thế cậy thần, chuyện bảo kê chống lưng, sân sau sân trước của 1 số kẻ vốn cũng "thường thôi" nhưng nhờ gặp "Bụt thời nay" mà trở nên ta đây, hống hách coi người khác chẳng ra gì theo kiểu: "Mày biết tao là ai kh?" rất giống giọng điệu của Tấm khi đã là vợ vua?! Tôi cũng nhất trí cao với đề nghị của GS TĐ Sử là có thể vẫn đưa Tấm Cám vào SGK nhưng nên bỏ phần sau (hoặc khi hd học sinh tìm hiểu văn bản này thì g/v nên cố tình bỏ qua phần trả thù rất "mất dạy" của Tấm đi!

2. Cong Nghinh: Thời trẻ con nghe thầy giảng thấy lòng được hả hê vì cách trả thù của Tấm. Tầm từ 40 tuổi đến 55 tuổi ta cứ phân vân trong ý nghĩ mỗi khi nghe trẻ con đọc và ai đó nhắc tới chuyện cổ tích này. Còn khi về già chỉ nghĩ đến cách mà Tấm trả thù, dù chỉ nghĩ thôi ta đã thấy mình phạm lỗi và ta hoàn toàn đồng ý với cách đánh giá của GS Hoàng Ngọc Hiến, người có câu nói được nhắc nhớ nhiều: Cái VN mình nó thế!

3. Duy Nguyen: Cảm ơn bạn đã mở mắt cho tôi và biết đâu vài người nữa. Tấm cám đi vào giảng đường là lỗi lầm của bộ GD, hay có thể là ý chí của nền chính trị đương thời.

4. Khai Truong Quang: Đã giết con lại nấu thành mắm gửi cho mẹ ăn cũng ko phải dạng vừa đâu.

5. Trần Chung: Hồi e học sư phạm, thầy dạy văn cũng nói là cô Tấm không hiền, đã đun nước sôi giết em rồi làm mắm gởi cho mẹ ghẻ ăn cơ mà. Bây giờ em cũng dạy và phân tích cặn kẽ cho học trò hiểu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

 

 

 

  

 

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

Mẹ tôi


MẸ TÔI
Mẹ tôi là Nguyễn Thị Ái sinh năm Mậu Ngọ (1918) trong một gia khá giả, có 6 anh em tại xã Tĩnh Diệm, huyện Hương sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Quang Diệm là vùng sơn thủy hữu tình, dòng sông Ngàn Phố uốn khúc quanh co như không muốn rời mảnh đất địa linh nhân kiệt. Danh Y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác đã chọn vùng đất này làm nơi nghiên cứu, tu luyện y học cho ra đời bộ sách quý Y Tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển để lại cho hậu thế.

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

TAM SOA-LINH CẢM


BẾN TAM SOA-LINH CẢM
          Nếu coi Linh Cảm là ngôi nhà thì bến Tam Soa là cửa và phòng khách xinh tươi của ngôi nhà lộng lẫy ấy. Tam Soa là nơi sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu hòa vào dòng La Giang - một con sông không nguồn, không cửa chỉ dài độ 17 km, chảy qua huyện Đức Thọ, sau đó hợp lưu với dòng sông Lam hùng vĩ.

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020

NGUỒN GỐC BÀI THƠ CHỮ HÁN CỔ


BÀI THƠ CỔ “BÁN DẠ TAM BÔI

Từ lời chúc của bác Nguyễn Văn Rèn: “Bình minh nhất trản trà/ Nhật mộ tam bôi tửu/ Lương y bất đáo gia”; “Tam nhật đáo phòng trung/ Bách niên giai lão…”. Câu thứ nhất, câu thứ ba, tôi đã nghe nhiều rồi; còn câu thứ hai và câu thứ tư, thứ năm chưa biết ở đâu. Trằn trọc không ngủ được, đành mở máy gõ Google tra cứu. Anh Google hiện ra cho hàng trăm bài, chọn cả buổi được hai bài này (có xuất xứ tin cậy là Văn nghệ Thái Nguyên và Văn nghệ Ninh Thuận). Xin trân trọng đưa lên đây, giúp những bạn chưa nhớ nguyên văn và xuất xứ bài thơ “BÁN DẠ TAM BÔI” như tôi đỡ mất thời gian tìm kiếm.

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

Sinh nhật mẹ vợ


89 MÙA XUÂN CỦA MẸ
Mẹ xa quê từ năm hơn 10 tuổi. Ký ước của mẹ về quê hương là làng Đồng Môn, Hà Tĩnh. Đó là địa danh bên ngoại. Hồi nhỏ bà ngoại ngày tết, ngày giỗ thường dẫn mẹ về quê nên địa danh Đồng Môn gắm sâu vào trí nhớ non nớt của mẹ. Quê mẹ cách làng Đồng Môn dăm chục cây số về phía nam. Kỳ Hoa (nay là thị trấn Kỳ Đồng), Kỳ Anh-địa danh gắn với những danh thắng nổi tiếng như dãy Hoành Sơn có Đèo Ngang làm xao xuyến biết bao thi nhân, cảng nước sâu Vũng Áng và Động Chúa cao hơn 500 mét-là nơi chôn rau cắt rốn của mẹ, là mảnh đất mẹ oa…oa… cất tiếng khóc chào đời và những những năm tháng tuổi thơ đầm ấm, vui tươi trong vòng tay âu yếm, yêu thương của cha mẹ và hai người anh trai.