Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Văn học hậu hiện đại

CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI TRONG VĂN HỌC
(Trích Luận văn Thạc sĩ Cao học của Trương Ngọc Hân)

1. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã trở thành một hiện tượng văn hoá của thế giới trong thế kỷ XX. Nó đã ảnh hưởng trên hầu khắp các lĩnh vực nghệ thuật  làm nên những thành công khiến nhân loại phải chú ý. Nó đã thực sự trở thành một phương thức thao tác mới của con người trong những cuộc khám phá thế giới. Nó đã “mở ra nhiều khả tính mới cho sự sáng tạo, từ đó, mở rộng địa dư của nghệ thuật và của cái đẹp nói chung” [4].
Không ai có thể phủ nhận những thành công của nền nghệ thuật hậu hiện đại. Nó đã tạo ra một sân chơi mà ở đó các nghệ sỹ được thoả sức thể nghiệm những ý tưởng của mình. Nó đã tạo ra một sàn diễn không phân biệt cao thấp, sang hèn, quá khứ, hiện tại, tương lai. Ở đó, mỗi người có thể tự tạo dáng cho mình, tự chọn chất liệu, tông màu, tự thiết kế trang phục, và tự biểu diễn. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã làm cho bức tranh nghệ thuật đa dạng và đầy ắp những thử nghiệm, cách tân táo bạo. Ta thấy có người đã đi vào phong cách trừu tượng loang màu trong hội hoạ; săn tìm cảm hứng từ những building bản xứ trong kiến trúc; chú tâm vào những hiệu ứng nổi hạt hình ảnh, sử dụng ống kính góc rộng để làm méo, những cú zoom mơ hồ trong nhiếp ảnh hay tạo ra những bè không có chủ âm và tính chuỗi trong âm nhạc v.v. Văn học cũng là một địa hạt ghi nhận rất nhiều thử nghiệm và đánh dấu không ít thành công của chủ nghĩa hậu hiện đại. Vậy chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học có diện mạo ra sao?
Có thể nói chủ nghĩa hậu hiện đại đã tạo ra một bức tranh với những mảng màu khác lạ khiến không ít người cảm thấy bị cuốn hút. Dù muốn hay không, ít ai có thể phủ nhận giá trị của các tác phẩm hậu hiện đại nổi tiếng của Calvino (Cuộc phiêu lưu của người lính), Umberto Eco (Tên gọi của hoa hồng), Donal Bathemer (Lớp học), Milan Kundera (Cuộc sống không ở đây, Hãy để cho người chết cũ nhường chỗ cho người chết mới), Garcia Marquez (Người chết trôi đẹp nhất trần gian, Chuyến đi cuối cùng của con tàu ma..), Pavic (Từ điển Khaza) và dù muốn hay không, khó ai có thể phủ nhận những đột phá trong cách viết và kiến tạo tác phẩm mang đầy tính thách thức của các cây bút thuộc thế giới thứ ba (những nước nghèo nàn, lạc hậu, vẫn chưa thể hoàn tất quá trình hiện đại hoá). Họ đã tạo nên được một diện mạo mới cho văn chương thế giới. Mỗi người theo những cách thức rất riêng, đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng có nhiều phương thức để chiếm lĩnh nghệ thuật, có nhiều con đường để đến với cái đẹp và có nhiều cách để thể hiện khát vọng tự do.

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

NHÂN VĂN -GIAI PHẨM

Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm

Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm là phong trào được cho là có xu hướng chính trị, đòi tự do dân chủ của một số văn nghệ sĩ và trí thức ở miền Bắc sau ngày hòa bình lập lại, khởi xướng đầu năm 1955 và bị chính thức dập tắt vào tháng 6 năm 1958.
I. KHỞI PHÁT
Cơ quan ngôn luận của phong trào này là báo Nhân Văn- một tờ báo văn hóa, xã hội, có trụ sở tại 27 Hàng Khay, Hà Nội- do Phan Khôi làm chủ nhiệmTrần Duy làm thư kí toà soạn. Cùng với tạp chí Giai Phẩm, hình thành nên nhóm Nhân Văn–Giai Phẩm.

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa-Nguyễn Minh Châu

HÃY ĐỌC LỜI AI ĐIẾU
CHO MỘT MỘT GIAI ĐOẠN VĂN NGHỆ MINH HỌA
(Nguyễn Minh Châu)
Là một người sáng tác, chắc tôi cũng giống như nhiều anh em sáng tác khác, có thói quen vừa viết vừa tự quan sát, nhìn theo cái ngòi bút của mình có lúc đầy hào sảng có lúc lại đầy đắn đo hồi hộp lẫn e ngại chạy trên mặt tờ giấy định mệnh.
Chao ôi, để bụng không nói ra thì thôi chứ nói ra cái chuyện này nó vui lắm, mà nó cũng buồn lắm, có đôi khi buồn đến thối ruột! Thú thật chừng ba bốn năm trở lại đây tôi cứ nổi lên nhũng cơn ngán giấy bút, hay so sánh mình với những anh em bạn bè cầm bút một cách suôn sẻ bình thản, được trời đất ban cho một cái tạng nhà văn luôn luôn sẵn sàng thích nghi với mọi thứ lý luận và luật lệ văn học, họ thật sướng, viết ra trang giấy mà trong bụng chẳng bao giờ có điều gì phải sợ sệt, lo lắng, như một người bao giờ cũng sống đĩnh đạc, cứ thẳng đường chính rộng lớn mà đi; còn mình thì y như một kẻ gian phi lúc nào cũng như đang lén lút thu giấu cái gì quốc cấm trong cạp quần hay dưới áo. Nghĩ mà buồn quá, nghề giấy bút nó chẳng nuôi gì được mình mà chỉ thấy nó hành mình.