Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

Câu ca dao hay

 

NHỚ THUỐC LÀO - NỖI NHỚ NGƯỜI YÊU

Nhớ ai như nhớ thuốc lào

Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.

Ngày xưa, các cụ chắc nghiện thuốc lào lắm. Nghiện đến mức “chôn điếu xuống” (quyết vứt bỏ) nhưng không cưỡng được cơn nghiện “lại đào điếu lên” (tìm lại, đào lên). Đầu óc lúc nào cũng nhớ thuốc lào khi đang cai thuốc. Từ nỗi nhớ khổ sở, dằn vặt, trằn rọc, day dứt không tả hết ấy (nỗi nhớ dễ nhận biết, ai từng nghiện thuốc lào đều đã trải qua), tác giả bài ca dao chọn làm đối tượng để so sánh với tâm trạng của người đang yêu, đang nhớ quay quắt, cồn cào. Cái hay của câu ca dao nằm ở chi tiết “chôn điếu” chứ không phải chẻ, chặt điếu, đốt điếu; nghĩa là không hủy hoại mà cố quên đi, nén lại.

Từ “ai” vốn mang nghĩa phiếm chỉ nhưng đặt trong câu ca dao: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên” trở nên cụ thể, rõ ràng. Đó là đối tượng mà nhân vật trữ tình đang nhớ. Đối tượng làm cho nhân vật trữ tình quên ăn, quên ngủ. Vừa chợp mắt, hình bóng người ấy lại hiện về trong giấc mơ. Bao khao khát, ước ao yêu thương trỗi dậy dày vò, xé nát tim yêu.

Nhớ như thế, cớ sao phải chôn chặt nỗi nhớ, phải tự hành hạ bản thân đến khổ sở như vậy? Tác giả câu ca dao không nói ra, là chỗ để người đọc tự suy ngẫm, là sự tinh tế của thể loại “mạch kị thẳng, ý kị lộ” (Lê Quý Đôn). Sự khổ sở về tình yêu, không dứt ra được có thể do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Tình yêu đơn phương

Anh chàng yêu tha thiết, đắm say nhưng không được nàng đáp lại, “thư đi không thấy thư về”. Sau nhiều lần tỏ tình thất bại, anh hậm hực quyết chí từ bỏ nhưng không bỏ được. Hình bóng nàng ngày đêm vẫn nhảy nhót, reo ca trong tâm trí anh, cựa quậy trái tim đa tình của anh.

Thứ hai: Đang vướng bận gia đình

Chàng hay nàng hoặc cả hai đang “đeo gông vào cổ” nhưng gia đình anh không thật hạnh phúc, tình cảm vợ chồng có chỗ không ổn. Cũng có thể anh chàng là người thích hướng ngoại, khao khát tìm đến cái mới. Biết đó là tình yêu ngang trái, thường bị dư luận xã hội lên án nhưng anh đã lỡ yêu, đang yêu tha thiết, mãnh liệt, cháy bổng. Ý thức được điều ấy, anh muốn dừng lại, muốn từ bỏ, hạ quyết tâm “chôn điếu xuống” nhưng thương thay tất cả ý chí, nghị lực đều phải đầu hàng trái tim đang yêu!

Riêng tôi nghiêng về nguyên nhân thứ hai. Cả hai phải yêu nhau rất thắm thiết mới nhớ đến như thế. Nhớ trở thành “nghiện” (nhớ ai như nhớ thuốc lào), trở thành động cơ điều khiển mọi hành động (chôn điếu xuống lại đào điếu lên).

Hút thuốc lào không tốt, phải cai, phải từ bỏ, nhưng người cai vẫn nâng niu, trìu mến, yêu thương cái điếu cày gần gũi, thân thương. Người đang yêu tuy có băn khoăn, day dứt nhưng anh vẫn nhớ.

Cả người nghiện thuốc lào và người đang yêu đều không từ bỏ được đối tượng, dù hạ quyết tâm rất cao. Tuy nhiên, thông điệp mà tác giả câu ca dao hướng đến là tình yêu nam nữ. Chính danh hay không chính danh, một khi đã gắn chặt tình yêu dễ gì từ bỏ được. Điều này đã được Đại thi hào Nguyễn Du khái quát trong “Truyện Kiều”:

Cho hay là giống hữu tình,

Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong.

Càng ngẫm, càng thương, càng cảm phục và thấm thía!