Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

5 nguyên nhân thất bại của đội tuyển bóng đá Việt Nam


NGUYÊN NHÂN THẤT BẠI CỦA ĐỘI TUYỂN BÓNG ĐÁ VIỆT NAM
 
Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã bị loại khỏi vòng bảng AFF Suzuki cup 2012 một cách thê thảm với 1 trận hòa, 2 trận thua, ghi được 2 bàn thắng nhưng để lọt lưới tới 6 bàn. Đây là thành tích kém cỏi nhất của đội tuyển Việt Nam trong 9 lần tham dự giải vô địch bóng đá Đông Nam Á. Năm 2004, chúng ta cũng bị loại khỏi vòng bảng nhưng vẫn có những trận thắng ấn tượng và tinh thần thi đấu của cầu thủ không làm nản lòng khán giả như mùa giải này. Những người hâm mộ theo dõi màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam trên đất Thái cứ ngỡ như đây là một đội bóng nghiệp dư, ít được tập luyện cùng nhau và đang đá chơi chứ không phải đang gánh trọng trách Tổ quốc và gần 90 triệu trái tim Việt giao phó. Vậy do đâu mà đội tuyển chúng ta vừa bạc nhược thiếu lửa vừa nghèo nàn về lối chơi như vậy?  Chúng tôi thấy có 5 nguyên nhân sau dẫn đến thất bại thảm hại của đội tuyển bóng đá Việt Nam:

1. Lối đá nhỏ, nhuyễn, nhanh của đội tuyển chúng ta từ AFF Suzuki cup 2010 đã bị bắt bài (thua phillippines ở vòng bảng, thua Malaysia ở bán kết) nhưng chúng ta vẫn trung thành với lối đá đó. Có điều bây giờ ông Phan Thanh Hùng không có được những con người thực hiện lối chơi ấy như dưới thời huấn luyện viên Henrique Calisto cho nên chúng ta chỉ có nhỏ mà không nhuyễnnhanh. Mấy năm gần đây bóng đá Việt Nam không xuất hiện gương mặt cầu thủ nào sáng giá trong khi lớp cầu thủ cũ hoặc đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ hoặc đánh mất phong độ. Nói một cách hình ảnh là: “tre mau già mà măng chưa chịu mọc”.

2. Việc tuyển chọn huấn luyện viên nội là một chủ trương đúng đắn nhưng để cho người ấy vừa dẫn dắt đội tuyển vừa dẫn dắt câu lạc bộ là điều không thể chấp nhận được. Khi nhận lời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam ông Henrique Calisto đã rời câu lạc bộ Đồng Tâm Long An đề dành trọn thời gian công sức cho đội tuyển quốc gia Việt Nam. Bây giờ ông Phan Thanh Hùng chưa bằng ông Henrique Calisto mà cùng lúc kiêm nhiệm 2 đội bóng, do đó không có thời gian chuyên tâm cho đội tuyển trong việc lựa chọn cầu thủ giỏi về chuyên môn, tốt về đạo đức, có nhiệt tình với màu cờ sắc áo của Tổ quốc.

3. Tinh thần thi đấu của các tuyển thủ bạc nhược, thiếu lửa một phần do huấn luyện viên chưa khơi dậy được niềm tự hào dân tộc, chưa truyền được nhiệt huyết cho họ nhưng một phần do cầu thủ không thoải mái về tư tưởng. Tuy xác ở Thái nhưng hồn đang ở nhà. Nhiều cầu thủ chủ chốt đang lo cho tương lai của mình ở câu lạc bộ. Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội của Thành Lương, Công Vinh giải tán. Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An của Trọng Hoàng, Đình Đồng, Âu Văn Hoàn không có kinh phí tái ký hợp đồng với các trụ cột. Đã thế, nhiều cầu thủ quan trọng ở hàng thủ bị ốm hoặc chấn thương trước giải hoặc ngay từ trận mở màn như trung vệ Phước Vĩnh, Minh Đức, hậu vệ Văn Phong, Âu Văn Hoàn, tiền vệ Nguyên Sa. Vì thế lực lượng đã yếu càng thêm yếu.

4. Chính sách không sử dụng cầu thủ nhập tịch của Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng góp phần làm giảm sức mạnh của đội tuyển Việt Nam. Chúng ta có nhiều cầu thủ nhập tịch giỏi ở cả 3 tuyến như tiền đạo Huỳnh Kesley, tiền vệ Đinh Hoàng Max, trung vệ Hoàng Vissai, thủ môn Đinh Hoàng La… Thời huấn luyện viên Henrique Calisto đã từng gọi một số cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển và thi đấu khá thành công (thắng đội tuyển Cô-oét ngay trên nước họ). Vậy tại sao các nước trên thế giới và khu vực sử dụng cầu thủ nhập tịch mà ta không sử dụng? Cách làm này mang tính phân biệt đối xử, không tạo nên sân chơi công bằng, bình đẳng và làm giảm sức mạnh đội tuyển bóng đá quốc gia. Rồi đây, cầu thủ ngoại giỏi họ có chịu nhập tịch vào Việt Nam nữa không? Những người giỏi họ có gắn bó lâu dài với Việt Nam nữa không? Tôi nghĩ, nếu đội tuyển chúng ta nếu được bổ sung từ 3-4 cầu thủ nhập tịch sẽ rất mạnh. Minh Đức và Hoàng Vissai là bộ đôi trung vệ lý tưởng, bổ sung hỗ trợ cho nhau (Hoàng Vissai có sức mạnh càn lướt, chơi bóng bổng tốt; Minh Đức nhanh nhẹn, khéo léo). Huỳnh Kesley và Công Vinh hoặc Văn Quyết là bộ đôi tấn công lý tưởng. Huỳnh Kesley có sức mạnh và kỹ thuật cá nhân điêu luyện. Anh sẽ tạo nên nhiều chỗ trống cho các cầu thủ khác dứt điểm. Đinh Hoàng Max với thể lực dồi dào của cầu thủ gốc Phi sẽ xông xáo giữa sân, đánh chặn từ xa, hỗ trợ tích cực cho hàng phòng ngự trước những đợt tấn công của đối phương.

5. Chính sách đãi ngộ cho huấn luyện viên và cầu thủ chưa tương xứng. Huấn luyện viên dẫn dắt đội tuyển phải chịu rất nhiều áp lực. Họ phải lao tâm khổ tứ để tuyển chọn, huấn luyện, tìm đấu pháp thi đấu thích hợp trước từng đối thủ, chịu trách nhiệm về sự thành bại của đội tuyển trước Liên đoàn và người hâm mộ nhưng chỉ được trả lương chưa băng 50% của huấn luyện viên ngoại. Cầu thủ với đôi chân bạc tỉ nếu bị chấn thương nặng coi như sự nghiệp tiêu vong nhưng chỉ được bồi dưỡng 600.000 đồng/ngày. Vì thế, họ ngại va chạm, không dám đột phá, chỉ chuyền bóng loanh quanh để giữ chân. Giải AFF Suzuki cup 2012, mặc dù đội tuyển chúng ta cầm bóng nhiều nhưng rất ít pha đột phá tạo nguy hiểm cho khung thành đối phương.

Trên đây là ý kiến của một người không chuyên bóng đá nhưng vô cùng yêu mến đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam. Chúng tôi hy vọng những ý kiến của mình sẽ góp một phần nhỏ cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét