Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Một số góp ý Giáo trình văn học trung đại Việt Nam


Một số ý kiến về Giáo trình VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM, Tập 2

Giáo trình VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM, Tập 2 (Sách dành cho Cao đẳng sư phạm) do PGS. TS Nguyễn Đăng Na (Chủ biên), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội-2007, được dùng làm tài liệu tham khảo chính cho giảng viên và sinh viên Ngữ văn, các trường Cao đẳng Sư phạm trong toàn quốc từ năm học 2007-2008 đến nay. Đây là loại sách Dự án đào tạo giáo viên THCS được Nhà nước đặt hàng, do các GS, PGS, TS có uy tìn biên soạn; có các GS, PGS.TS nhận xét, thẩm định.

Tuy vậy, trong quá trình sử dụng Giáo trình này, chúng tôi vẫn thấy có một số điểm băn khoăn, rất mong được các tác giả Giáo trình chỉ giáo giúp.

I. Một số bài không trùng khớp với Chương trình
 So với Chương trình chi tiết các môn học/ học phần, ngành Sư phạm Ngữ văn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2004, thì Giáo trình không biên soạn các bài sau:
1. Thượng kinh ký sự và Vũ trung tùy bút
2. Lan Trì kiến văn lục
3. Phương pháp dạy văn học trung đại
Giáo trình không biên soạn các bài PP dạy truyện ngắn truyền kỳ, PP dạy tiểu thuyết chương hồi, PP dạy truyện Nôm, PP dạy khúc ngâm như yêu cầu của Chương trình.

II. Một số kiến thức còn sai sót hoặc cách lý giải chưa thuyết phục

Bài:  HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ
Phần IV. Thành tựu nghệ thuật (từ trang 100-104), vừa chưa phản ánh hết giá trị nghệ thuật của tác phẩm vừa trình bày chưa lôgic. Giáo trình trình bày như sau:
1. Sự tái hiện các sự kiện lịch sử
a. Khắc họa nhân vật
b. Bút pháp đa dạng
Có mục 1 mà không có mục 2 là chưa đảm bảo về lôgic hình thức. Các luận cứ a: “Khắc họa nhân vật”; b: “Bút pháp đa dạng” cũng không nhằm phục vụ cho luận điểm “Sự tái hiện các sự kiện lịch sử”.

Bài: NGUYỄN DU VÀ ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
1. Ý nghĩa nhan đề Đoạn trường tân thanh
Giáo trình có cách hiểu khác so với truyền thống:
- “Tân thanh” là một thể thơ có từ thời nhà Đường gọi là thơ Tân nhạc phủ. Đây là thể thơ sáng tác theo 3 tiêu chí: không mô phỏng cổ đề như thơ nhạc phủ mà viết về đề tài mới, về những vấn đề thời sự, những điều mắt thấy, tai nghe; thứ hai, chúng không dùng để phổ nhạc; thứ ba viết về nỗi khổ của người dân mong Thiên tử biết đến.
- “Đoạn trường” được dùng với nghĩa ẩn dụ: nỗi đau thương vô hạn tưởng như ai cầm dao cắt ruột mình ra thành từng khúc.
ĐTTT là tác phẩm thơ ca viết về những vấn đề thời sự, về những nỗi đau tưởng như ai cầm dao cắt lòng mình thành từng khúc.
Theo chúng tôi, cách lý giải này chưa thật thuyết phục bởi:
- Giáo trình viết ra hai chữ Tân thanh bằng Hán tự để chứng minh “Tân thanh” trong Đoạn trường tân thanh là thể thơ, nhưng tác phẩm này Nguyễn Du viết bằng chữ Nôm chứ không phải chữ Hán. Vả lại, hai chữ “đoạn trường” ở nhan đề viết giống hai chữ “đoạn trường” trong hai câu Kiều: “Sụt sùi giở nỗi đoạn trường/ Giọt châu tầm tã đượm tràng áo xanh” (câu 1943-44). Nghĩa của “Đoạn trường” trong câu Kiều trên là nỗi đau đứt ruột.
- Giáo trình quan niệm Đoạn trường tân thanh là thể thơ Tân nhạc phủ có từ đời Đường ở Trung Quốc nhưng Đoạn trường tân thanh được sáng tác bằng thể thơ lục bát của Việt Nam xuất hiện khoảng thế kỷ XV.
Do đó, những chứng cứ Giáo trình đưa ra để chứng minh Đoạn trường tân thanh là tác phẩm thơ ca viết về những v/đ thời sự, về những nỗi đau tưởng như ai cầm dao cắt lòng mình thành từng khúc chưa đủ sức thuyết phục. Vì vậy, ý nghĩa nhan đề Đoạn trường tân thanhTiếng nói mới về nỗi đau đứt ruột như cách hiểu truyền thống có sức thuyết phục hơn.

2. Giá trị nội dung Đoạn trường tân thanh
Giáo trình phân tích ba bi kịch của Thúy Kiều: một là: “Lòng vị tha bị chà đạp”; hai là: “Điều mình tôn thờ bị hạ nhục, điều mình ghê tởm phải làm theo”; ba là: “Tin người mà chết”.
Trong quá trình phân tích, lý giải ba bi kịch trên, chúng tôi thấy có một số điểm chưa hợp lý sau:
- Ở mục 3: Tin người mà chết, Giáo trình dành tới hơn 10 trang viết về vai trò của Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải trong cuộc đời Thúy Kiều-một vấn đề không phục vụ trực tiếp cho luận điểm này.
- Các dẫn chứng để làm sáng tỏ cho luận điểm của Giáo trình chưa thật bao quát, toàn diện. Chẳng hạn, luận điểm: Lòng vị tha bị chà đạp, Giáo trình chỉ lấy mối quan hệ của Kiều với Hoạn thư để chứng minh. Thực tế, không phải bao giờ lòng vị tha của Kiều cũng bị chà đạp. Lòng vị tha của kiều dành cho Kim Trọng, cho cha và em… có bị chà đạp đâu! Kim Trọng sẵn sàng: Rắp mong treo ấn từ quan/ Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng pha để đi tìm Kiều cơ mà. 
- Giáo trình nhầm lẫn lễ vật (vật chất) với lễ nghĩa (tinh thần)-một trong năm phạm trù đạo đức của Nho giáo: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín,  khi viết: “Ta nên lưu ý rằng, “tín” thuộc về ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Dùng lễ (lễ nhiều) để bội tín là tội không thể dung tha. Đại diện triều đình đã vi phạm hai trong ngũ thường là lễtín” (trang. 149).
Chúng ta đều biết rằng, Hồ Tôn Hiến đã dùng ngọc vàng châu báu để chiêu hàng:
Đóng quân làm chước chiêu an,
Ngọc vàng gấm vóc, sai quan thuyết hàng.
Lại riêng một lễ với nàng:
Hai tên thể nữ, ngọc vàng nghìn cân.
                    (câu 2457- 2460)
Nàng thì thật dạ tin người,
Lễ nhiều nói ngọt, nghe lời dễ xiêu.
                    (câu 2473-2474)
“Lễ” ở đây rõ ràng là hai người hầu gái và ngọc vàng nhiều vô kể sao lại “vi phạm hai trong ngũ thường là lễtín”? Hồ Tôn Hiến chỉ vi phạm chữ tín. Còn “lễ nhiều” làm cho Kiều hoa mắt, không còn đủ tỉnh táo suy xét nên bị mắc mưu Hồ Tôn Hiến. Theo Phan Ngọc, Kiều mắc mưu do lòng tham: “tác giả không kiêng nể Thúy Kiều, phơi bày lòng tham của nàng” (Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb Thanh Niên, Hà Nội -2003, trang 174). Còn theo chúng tôi, Kiều mắc mưu vì Kiều không hiểu lý tưởng của Từ, Kiều mất niềm tin ở đời và mong mau chóng được đoàn tụ cùng gia đình (Vì sao Kiều khuyên Từ Hải đầu hàng Hồ Tôn Hiến-Tạp chí Tài hoa trẻ số 335-2004).
3. Trích dẫn tác phẩm còn có sai sót (những chữ sai, chúng tôi gạch chân)
- Câu “Trăm năm trong cõi người ta” viết thành “Trăm năm trăm cõi người ta” (trang 135).
- Câu “Chói chang khó ngó, trao lời khó trao” viết thành “Chói chan khó ngó, trao lời khó trao”  (trang 141).
          - Câu “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa” viết thành“Chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa” (trang 143).
- Câu “Chơi cho liễu chán hoa chê/ Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời” viết thành “Chơi cho bướm chán hoa chê/ Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn người” (trang 144).
- Câu “Còn thân ắt cũng đền bồi có khi” viết thành “Còn thân còn một đền bồi có khi” (trang 146).
- Câu “Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu” viết thành “Hàng thần lơ láo phận mình ra chi”.
Trên đây là những suy nghĩ của chúng tôi. Do kiến thức và sức nghĩ có hạn, có điều gì không phải mong các GS, PGS.TS lượng thứ.

                 

                              

2 nhận xét:

  1. phần trích dẫn tác phẩm là do có nhiều di bản của truyện kiều mà các tác giẻ viết sách cũng lấy dẫn chứng từ các dị bản nên có chút không tương đồng là điều khó tránh khỏi

    Trả lờiXóa
  2. Bạn nói rất đúng, Truyện Kiều đến nay chưa tìm được nguyên tác, còn các văn bản Truyện Kiều hiện đang lưu hành chủ yếu lấy từ bản Kiều của Mậu Oánh do đó có rất nhiều dị bản. Tuy nhiên "chói chang" viết thành "chói chan" là lỗi chính tả; "Trăm năm trong cõi viết thành "trăm năm trăm cõi" vừa lặp từ (điều mà văn học trung đại rất ki) vừa giảm sự khái quát của ý thơ; "còn thân ắt cũng" viết thành "còn thân còn một" làm cho câu thơ vô nghĩa.
    Còn cách giải thích "Đoạn trường tân thanh" và cách lý giải “Ta nên lưu ý rằng, “tín” thuộc về ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Dùng lễ (lễ nhiều) để bội tín là tội không thể dung tha. Đại diện triều đình đã vi phạm hai trong ngũ thường là lễ và tín” của Giáo trình có hợp lý không?

    Trả lờiXóa