Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI



THƠ VĂN VIỆT NAM VIẾT VỀ NGƯỜI LÍNH CỤ HỒ
                                                            (Nguyễn Công Thanh) 
Cách đây đúng 70 năm, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 người do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm đội trưởng được thành lập. Trải qua 70 năm chiến đấu, trưởng thành, quân đội ta đã trở thành một đội quân tinh nhuệ, đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc lãnh thổ, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Đồng hành với sự trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng là những áng văn thơ hào hùng ghi lại những chiến công hiển hách của người lính trên tuyến đầu Tổ quốc. Người lính Cụ Hồ với những phẩm chất tốt đẹp nhất, cao quý nhất, thiêng liêng nhất đã trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt cho văn nghệ sĩ  tạo nên những áng thơ văn làm lay động biết bao thế hệ người đọc.

Cách mạng tháng Tám thành công, dân tộc ta được sống trong niềm vui bất tuyệt chưa lâu thì thực dân Pháp quay trở lại nổ súng xâm lược. Đáp lời kêu gọi: "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người dân Việt Nam yêu nước đã đứng lên cầm vũ khí đánh giặc, bảo vệ độc lập, bảo vệ nền cộng hoà non trẻ. Văn học là một bộ phận quan trọng của cách mạng Việt Nam có nhiệm vụ phục vụ kháng chiến. Nhà văn là chiến sĩ, thơ văn trở thành vũ khí. Hình tượng đẹp nhất trong văn học thời kỳ này là tất cả những người tự nguyện đứng lên bảo vệ nền độc lập dân tộc mà tiêu biểu là anh bộ đội Cụ Hồ. Những tác phẩm văn học hay nhất là những tác phẩm ca ngợi cách mạng, ca ngợi nhân dân anh hùng, ca ngợi lãnh tụ, ca ngợi tinh thần chiến đấu, hy sinh của anh vệ quốc quân như Sáng tháng năm, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Việt Bắc (Tố Hữu), Đồng chí (Chính Hữu), Tây Tiến (Quang Dũng), Đôi mắt (Nam Cao), Đất nước, Xung kích (Nguyễn Đình Thi), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Truyện Tây Bắc (Tô Hoài), Kịch Bắc Sơn (Nguyễn Huy Tưởng),...
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, người lính Cụ Hồ được gọi là anh Vệ quốc quân. Các anh là những người nông dân từ những miền quê nghèo khó:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi, đôi người xa lạ,
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỷ.
                (Đồng chí-Chính Hữu)
Hoặc là những người trí thức “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, sẵn sàng giã từ thủ đô yêu dấu, ra đi kháng chiến:
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
                  (Đất nước-Nguyễn Đình Thi) 
          Nhưng họ có điểm chung là sục sôi tinh thần yêu nước, sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Núi cao, vực sâu không ngăn được bước chân hành quân của các anh. Đói khát, bệnh tật không làm làm các anh nhụt chí. Vũ khí hiện đại của kẻ thù không làm các anh hoang mang. Thơ văn kháng chiến đã khắc họa hình ảnh anh vệ quốc quân trên đường hành quân vô cùng gian lao:
                   Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
                   Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
        (Tây Tiến-Quang Dũng)
          Nhưng cũng vô cùng đẹp đẽ, hùng tráng, kỳ vĩ:
          Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
          Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo
          Núi không đè nổi vai vươn tới
          Lá ngụy trang reo với gió đèo…
                              (Lên Tây Bắc-Tố Hữu)
Chính những con người rất đỗi bình thường ấy đã làm nên lịch sử. Họ vượt lên mọi gian nan, đạp bằng mọi thử thách làm nên một “Điên Biên chấn động địa cầu”, quét sạch chủ nghĩa thực dân cũ khỏi đất nước ta. Những câu thơ của Tố Hữu như đang reo ca, nhảy múa với đoàn quân chiến thắng:
Tin về nửa đêm
Hỏa tốc hỏa tốc
Ngựa bay lên dốc
Đuốc chạy sáng rừng
Chuông reo tin mừng
Loa kêu từng cửa
Bản làng đỏ đèn đỏ lửa…
Hoan hô chiến sĩ Điên Biên
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp
Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!
Vinh quang Tổ quốc chúng ta
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên-Tố Hữu)
Thực dân Pháp chưa kịp cuốn gói về nước thì đế quốc Mỹ đã kéo quân vào miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai, nhằm chia cắt lâu dài nước ta. Người lính chiến chưa kịp nghỉ ngơi đã phải tiếp tục khoác bô lô ra trận. Cùng một lúc nhiều thế hệ người Việt Nam trở thành người lính: 
Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành
                (Tiếng hát sang xuân-Tố Hữu)
Nhiều tác phẩm văn học Việt Nam thời kỳ này đã xây dựng thành công hình tượng những người lính trong một gia đình như Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi của Phan Tứ, Người mẹ cần súng của Nguyễn Thi, Hòn Đất của Anh Đức, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu,... Trong Người mẹ cần súng, vợ chồng chị Út là đôi bạn chiến đấu, anh “bá đỏ”, chị “cạc bin”. Lúc vào trận, họ gọi nhau là “đồng chí vợ”, “đồng chí chồng”, thường xuyên “chia lửa” cho nhau. Có khi để hoàn thành nhiệm vụ đánh địch, anh chấp nhận những việc làm nguy hiểm của chị, kể cả tình huống “lỡ phải đem thân ra cho nó giỡn hớt, giày vò”. Thậm chí, nếu phải hy sinh cả những đứa con thân yêu của mình cho cách mạng, cho chiến thắng họ cũng chấp nhận. Bởi họ nghĩ: “Lúc này, không cướp thời cơ mà đánh là bỏ luôn” và “giặc còn thì giặc cũng giết cả đời con của mình”. Trong Dấu chân người lính, Nguyễn Minh Châu không những đã dựng lại khung cảnh rộng lớn, hào hùng của cuộc chiến tranh ác liệt trên chiến trường Quảng Trị mà còn khắc họa thành công hình tượng hai cha con trên tuyến đầu chống Mỹ là chính ủy Kinh và Lữ.
Thời kỳ này người lính Cụ Hồ được gọi là anh giải phóng quân. Hình ảnh anh giải phóng quân với chiếc mũ tai bèo giản dị, thân thương trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng:
Hoan hô anh giải phóng quân
Kính chào anh, con người đẹp nhất!
Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất
Sống hiên ngang bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi
….
Ôi cái mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ
Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành
Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh
Mà xông xáo, mà tung hoành, ngang dọc
Mạnh hơn tất cả đạn bom, làm run sợ cả lầu Năm góc!
                                     (Bài ca xuân 68-Tố Hữu)
          Và chính lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu quên mình của các anh đã tạo nên “dáng đứng Việt Nam, tạc vào thế kỷ”:
                   Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
                   Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân
                   (Dáng đứng Việt Nam-Lê Anh Xuân)
          Cả nước cùng đánh giặc. Mùa ra trận như ngày hội. Rừng Trường Sơn không một dấu chân người đã trở hành con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Ở đó, không chỉ có tiếng bom gầm, súng vang mà còn đầy ắp lời ca, tiếng hát:
          Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
          Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
          Đường ra trận mùa này đẹp lắm
          Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.
        (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây-Phạm Tiến Duật)
Tinh thần quả cảm, xả thân vì nước, vì Tổ quốc quên mình, vì nhân dân hy sinh của người lính đã góp phần quan trọng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau 1975, đất nước chuyển từ thời chiến sang thời bình. Mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó văn học đều có sự thay đổi. Đặc biệt sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), không khí đổi mới - dân chủ tác động mạnh mẽ đến đời sống văn học nghệ thuật. Khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn trong văn học thời kỳ 1945-1975 được thay thế bằng khuynh hướng đạo đức - thế sự. Con người "sử thi” trong văn học trước 1975 được thay thế bằng con người "nếm trải”. Đề tài, chủ đề không còn bó hẹp, thiên về khai thác các vấn đề liên quan đến những nhiệm vụ chính trị trước mắt mà được mở rộng. Do đó, văn học viết về người lính cũng có nhiều đổi thay.
Bên cạnh những tác phẩm ngợi ca tinh thần chiến đấu hy sinh thầm lặng trong lòng địch của các chiến sĩ tình báo như X30 phá lưới của Đặng Thanh, Ông Cố vấn của Hữu Mai hoặc tinh thần kiên cường bất khuất bảo vệ biên giới Tổ quốc, bảo vệ biển đảo quê hương như Đêm ở Đồng Đăng của Lữ Huy Nguyên, Chiều biên giới của Lò Ngân Sủng, Điểm tựa của Lê Đức Thọ, Mưa trên đào Sinh Tồn của Trần Đăng Khoa…; thơ văn viết về đề tài chiến tranh chủ yếu viết về người lính thời hậu chiến. Người lính đã từ giã chiến trường, từ giã quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường. Lúc này, người cựu chiến binh phân thành nhiều loại. Phần lớn họ vẫn giữ được phầm chất lính, thẳng thắn đấu tranh với cái xấu, cái ác để bảo vệ giá trị truyền thống hoặc nhạy bén thích nghi, hòa nhập với cuộc sống đất nước thời mở cửa. Nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ những người lính không theo kịp dòng chảy cuộc sống hiện đại, trở thành những kẻ “ăn mày dĩ vãng” bất đắc dĩ. Nhiều tác phẩm xuất sắc viết về người lính thời hậu chiến như Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Thời xa vắng của Lê Lựu, Phố, Ăn mày dĩ vãng, Ba lần và một lần, Cuộc đời dài lắm của Chu Lai, Nối buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, Tiễn biệt những ngày buồn của Trung Trung Đỉnh, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp…
Trong đại dương thơ văn mênh mông viết về người lính Cụ Hồ, giảng viên và sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk chúng ta cũng góp thêm một giọt nước nhỏ. Nhà giáo-Nhà thơ Nguyễn Duy Xuân là người rất nhạy bén khi viết về đề tài này. Ngôi chùa ngoài đảo Trường Sa vừa khánh thành, anh đã “nghe” được tiếng chuông chùa của ông cha từ trùng khơi vọng đến:
Trường Sa vọng tiếng chuông ngân
Sóng xô tung bọt trắng ngần đảo xa.
(Trường Sa vọng tiếng chuông ngân-Nguyễn Duy Xuân)
Ngày Võ Đại tướng tạ thế, anh có bốn bài thơ tiễn đưa Người về nơi bất tử. Bài thơ Mãi mãi niềm tin yêu khẳng định công lao to lớn của Đại tướng đối với dân tộc:
Người để lại cho đời
không chỉ những chiến công chói lọi
không chỉ uy danh lừng lẫy
mà còn là sức mạnh niềm tin
kết nối chín mươi triệu trái tim
cho đất nước trường sinh mãi mãi!
Đặc biệt tám chữ đầu của các dòng thơ trong bài Tên người-Võ Nguyên Giáp kết thành lời ngợi ca: “Võ Nguyên Giáp anh hùng ngàn năm sáng”.
Nhà giáo Nguyễn Công Thanh đã khái quát tinh thần anh dũng quật cường, lòng nhân ái khoan dung của dân tộc Việt Nam thành “Tính cách Việt”. Và coi ngày 30 tháng 4 năm 1975 như một cột mốc lịch sử sống mãi cùng dân tộc:
Ba mươi tháng Tư cột mốc của bao người
Những bà mẹ ba mươi năm không ngủ
Những người chồng ba mươi năm xa vợ
Những chàng trai mãi mãi tuổi hai mươi.
Ba mươi tháng Tư yêu dấu ơi
Lịch sử khắc nhớ mãi tên Người
Như Bạch Đằng, Đống Đa ... của thế kỷ hai mươi!
Như Bạch Đằng, Đống Đa ... nhớ mãi khôn nguôi!
                   (Cột mốc-Nguyễn Công Thanh)
Đỗ Thị Thuận, sinh viên lớp Sư phạm Ngữ văn K37, có bài thơ lục bát Yêu người lính biển khá mượt mà và tình tứ dành cho những người lính đảo Trường Sa thân yêu:
Mặc cho giông tố bão bùng
Kiên cường canh giữ một vùng biển khơi
Trường Sa quần đảo xa xôi
Yêu anh lính gác đất trời thiêng liêng
Ước làm làn gió thần tiên
Gửi thương, gửi nhớ đến miền đảo xa
Ước làm con sóng chan hòa
Thật êm, thật dịu như là tình em
Anh ơi, hãy vững niềm tin
Nắm chắc tay súng giữ miền đào xa.
Thơ văn viết về người lính Cụ Hồ vô cùng phong phú, đa dạng khó lòng mà khái quát hết trong một bài viết nhỏ. Bài viết này chỉ điểm qua một số nét về hình tượng người lính đội Cụ Hồ trong thơ văn Việt Nam từ cách mạng tháng Tám đến nay như một nén tâm hương dâng lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dâng lên anh linh Võ Đại Tướng tài ba, dâng lên anh linh của hàng triệu người lính vô danh đã ngả xuống cho nền độc lập, tự do nước nhà và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với hàng triệu người lính đang chịu đựng gian khổ hy sinh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét