Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012


Chưa quá muộn để Trung Quốc rút lui

Thứ ba 31/07/2012 06:38

ANTĐ - Trên website của Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng (IDSA) có trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ ngày 30-7, ông Ranjit Singh Kalha - quan chức ngoại giao kỳ cựu của Ấn Độ đã có bài phân tích về chính sách lấn tới của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông nhấn mạnh vẫn còn chưa quá muộn để người Trung Quốc nhận ra sự nực cười của họ, rút khỏi các đảo tranh chấp và hợp tác với quốc gia Đông Nam Á cùng cộng đồng quốc tế.








Mới đây, Trung Quốc đã đưa ra một quyết định đáng ngạc nhiên là cử 1.200 binh sĩ đồn trú tại cái gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Hoàng Sa thuộc Biển Đông. Lãnh thổ Trung Quốc gần nhất với đó là đảo Hải Nam, nhưng khoảng cách là 350km. Cùng với quân đội là khoảng 613 cư dân sống trên khu vực rộng khoảng 2km2. Tân hoa xã đưa tin, những việc làm này là để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.


Điều gì đã thúc đẩy Trung Quốc thực hiện bước đi như vậy? Lý do không khó để có thể hiểu được. Trải qua lục đục về nội bộ sau sự việc sa thải thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc Bạc Hy Lai, lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc không muốn để lại ấn tượng về sự “nhu nhược”. Họ muốn “tân trang” lại phẩm chất của dân tộc. Đồng thời, không có gì tốt hơn khi muốn làm sao nhãng người dân khỏi các bê bối tài chính của các thành viên hàng đầu của Đảng hơn là gây huyên náo bằng “sự đe dọa”. Họ muốn vay mượn sự ổn định cần thiết để làm dịu đi những thay đổi lớn tại Đại hội Đảng 18 tới đây.


Trung Quốc cũng muốn gửi một thông điệp tới tất cả các bên liên quan đến tranh chấp Biển Đông rằng trong khi tìm một giải pháp ngoại giao, họ sẽ phản ứng bằng quân sự để bảo vệ những vị trí trên biển Đông. Họ cũng muốn chứng minh rằng Hoa Kỳ không nhất thiết phải can thiệp quân sự vào mỗi hay mọi dịp, đồng thời các nước Đông Nam Á có thể muốn xem xét lại và hiểu điều đó.


Biển Đông là một khu vực rộng gần 3,5 triệu km vuông, nơi các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cùng tuyên bố chủ quyền. Cùng với trữ lượng khí đốt tự nhiên dồi dào, Biển Đông cũng là tuyến đường vận chuyển hàng hải quan trọng. Các nền kinh tế lớn của Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào an ninh và an toàn của tuyến đường biển này. Bằng cách thiết lập sự hiện diện quân sự tĩnh trên quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc muốn củng cố chủ quyền của mình và gạt những đối thủ khác khỏi khu vực.


Tuy nhiên, chính sách lấn tới mà Trung Quốc đang thực hiện cũng giống như Ấn Độ từng phải trả giá ở khu vực Ladakh nhiều thập niên trước. Thứ nhất, Trung Quốc sẽ thấy vô cùng khó khăn để duy trì an ninh của đơn vị đồn trú. Họ sẽ phải triển khai đáng kể sức mạnh hải quân và không quân, chưa kể ác mộng hậu cần. Thứ hai, các ứng cử viên khác có thể sẽ xích lại gần nhau hơn và đoàn kết để chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, thậm chí có thể chào đón sự giúp đỡ và hiện diện quân sự của Mỹ. Thứ ba, đơn vị đồn trú như vậy rất sơ hở, khó bảo vệ. Chỉ cần một tên lửa dẫn đường bằng laser bắn từ dưới biển lên là doanh trại này của Trung Quốc bốc khói. Họ sẽ không biết ai khai hỏa, vì vậy sau đó sẽ trả đũa ai đây?


Vẫn còn chưa quá muộn cho người Trung Quốc nhận ra sự nực cười của họ, rút khỏi các đảo không có người ở và tìm kiếm một giải pháp hòa bình phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Hợp tác và thiện chí của các quốc gia Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế có giá trị hơn bất kỳ lợi thế nào mà Trung Quốc tham vọng có thể đạt được trong việc chiếm các hòn đảo trên Biển Đông.

                                                                                                 Hải Yến (Lược dịch)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét