Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2020

Sinh nhật mẹ vợ


89 MÙA XUÂN CỦA MẸ
Mẹ xa quê từ năm hơn 10 tuổi. Ký ước của mẹ về quê hương là làng Đồng Môn, Hà Tĩnh. Đó là địa danh bên ngoại. Hồi nhỏ bà ngoại ngày tết, ngày giỗ thường dẫn mẹ về quê nên địa danh Đồng Môn gắm sâu vào trí nhớ non nớt của mẹ. Quê mẹ cách làng Đồng Môn dăm chục cây số về phía nam. Kỳ Hoa (nay là thị trấn Kỳ Đồng), Kỳ Anh-địa danh gắn với những danh thắng nổi tiếng như dãy Hoành Sơn có Đèo Ngang làm xao xuyến biết bao thi nhân, cảng nước sâu Vũng Áng và Động Chúa cao hơn 500 mét-là nơi chôn rau cắt rốn của mẹ, là mảnh đất mẹ oa…oa… cất tiếng khóc chào đời và những những năm tháng tuổi thơ đầm ấm, vui tươi trong vòng tay âu yếm, yêu thương của cha mẹ và hai người anh trai.

Tuổi thơ êm đềm của mẹ chỉ được hơn 10 năm. Nạn đói khủng khiếp năm 1945 làm bao gia đình phải ly tán, trong đó có gia đình mẹ. Ông ngoại, một danh y lấy mục đích chữa bệnh cứu người, buộc phải rời quê hương thân yêu, người vợ hiền tần tảo, mang theo ba người con vào Huế vừa bốc thuốc vừa nuôi con mong qua cơn bĩ cực. Nhưng trời không chiều theo lòng người. Vào Huế chưa được bao lâu, ông bị trọng bệnh qua đời, để lại ba người con bơ vơ nơi đất khách quê người. Không còn cách nào khác, anh cả mới hơn 16 tuổi buộc phải dắt díu hai đứa em trở về quê. Đôi chân trần non nớt của ba thiếu niên trên chặng đường thiên lý từ Huế về Hà Tĩnh không thể kể hết mệt nhọc, đói khát. Đói, mệt làm mẹ đuối dần. Các anh quyết định gửi mẹ lại Quảng Bình để về nhà với lời hẹn sớm quay trở lại đón người em út nhỏ bé, yêu thương.
Hai anh về nhà chưa được bao lâu thì chiến tranh nổ ra, việc vào Đồng Hới đón em gái không thể thực hiện được vì Quảng Bình trở thành vùng “khói lửa” ác liệt. Mẹ hòa vào dòng người tản cư đi dần vào Nam. Cô bé hơn 10 tuổi bắt đầu phải tự lập, tự bươn chải nuôi sống bản thân. Một trận ốm nặng buộc mẹ phải vào nhà thương. Tại đây, mẹ được ông Đồn đón về giữ con cho ông bà. Đó cũng là phúc trời giúp mẹ có nơi nương tựa giữa thế giới cô đơn, cô độc. Cũng từ đó, mẹ trở thành con nuôi, người giúp việc cho gia đình ông. Bao khó nhọc, vất vả mẹ đã làm; bao ấm ức, tủi nhục mẹ đã nếm trải để sinh tồn, mong ngày gặp lại gia đình yêu dấu.
Pháp thua, Mỹ vào, Bắc Nam phân chia giới tuyến. Đường về Bắc không còn. Tuổi xuân lùi dần theo thời gian buộc mẹ phải nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình. Năm 26 tuổi, cơ duyên đến với mẹ. Trong bệnh viện Duy Tân, nơi ông Đồn làm việc, có chàng y tá cùng quê, cùng cảnh ngộ. Hai trái tim cô đơn có chung nỗi đau là buộc phải xa quê hương, gia đình, người thân khi còn niên thiếu đã đến với nhau, xây nên gia đình bé mọn. Nói gia đình nhưng sống trong khu gia binh, tằn tiện nuôi con bằng đồng lương hạ sĩ quan ít ỏi. Hơn thế, chồng thường xuyên phải hành quân, thử thách nơi mũi tên hòn đạn. Đêm đêm ôm con vào lòng, mẹ cầu trời, khấn Phật cho chồng “chân cứng đá mềm”, trở về bình yên với vợ con.
Lần lượt 5 đứa con gái ra đời trong cảnh chiến tranh cũng khiến chồng nghĩ ngợi, không vui. Nhưng ba buồn một, mẹ buồn mười. Giá mà ba cảm thông, chia sẻ nỗi buồn của mẹ, chia sẻ cho những giọt nước mắt mặn chát thấm đầm ướt gối, lặn vào lòng của mẹ thì mẹ đỡ đau khổ biết nhường nào? Nhưng đàn ông thường có thói quen “chồng đúng vợ sai”, mấy ai nhìn thấu được điều này? Ngày sinh con trai, mẹ mừng không giấy bút nào tả hết. Trên khóe mắt mẹ, ánh lên niềm hãnh diện, tự hào, sung sướng…
30 tháng 4 năm 1975, chiến tranh kết thúc, chồng thuộc bên thua trận, mọi chế độ lương bổng, bảo hiểm không còn. Lấy gì nuôi 9 miệng ăn giữa thành phố bây giờ? Mẹ bàn với ba xung phong đi kinh tế mới, chí ít cũng được cung cấp lương thực ăn nửa năm và sau đó có đất đai mà trồng khoai, trồng sắn, rau cỏ,…Khuê Ngọc Điền, Krông Pak (nay là thị trấn Krông Kmar, Krông Bông) là địa danh mẹ đến. Thời kỳ 1976, Krông Bông là nơi rừng núi hoang vu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề (Krông Bông là vùng căn cứ, thường xuyên bị ném bom, pháo kích và càn quét). Nhưng nhờ bàn tay lao động cần cù của ba, sự chắt chiu tháo vát của mẹ, cuộc sống ổn định dần. Làm được nhà, khai hoang được nương rẫy. Cái ăn, cái mặc đủ đầy dần. Con gái lần lượt lấy chồng, con trai có vợ. Cháu nội ngoại ngày một đông. Trước mặt con cháu mẹ vẫn tươi cười nhưng những lúc ngồi một mình, mẹ trầm ngâm, mắt nhìn xa xăm.
Khi ba về Quảng Bình tìm được anh em trai, mẹ càng buồn. Nhiều lần ba hỏi địa chỉ quê quán, anh em để ba đi tìm nhưng mẹ đều nói quên hết. Mãi đến năm 2004, người con rể ra Vinh học, mẹ mới dặn: “Quê mẹ ở làng Đồng Môn, Hà Tĩnh. Mẹ của mẹ tên là Tiu, các anh tên Mai, Trúc, còn mẹ lúc nhỏ tên là Tùng. Ra đó, con có thời gian dò hỏi giúp mẹ”.
Sau nhiều lần được anh Nguyễn Minh Quang, quê Hà Tĩnh dẫn về xã Thạch Môn tìm kiếm, anh rể đã được bác Thanh Xuân nhận tìm giúp (bác này cũng có một người cô thất lạc năm 1945). Sau đó, bác gửi thư báo tin đã tìm được rồi, mời mẹ ra nhận bà con. Đọc thư mẹ mừng khôn xiết, nhờ chị gái đầu và anh rể đưa ra Hà Tĩnh ngay. Đến Vinh lúc 5 giờ sáng, hơn 6 giờ mấy mẹ con đã bắt vào thị xã Hà Tĩnh, gọi xe thồ về Đồng Môn. Nhưng khi đến làng, trò chuyện với bác Xuân, mẹ nói đây không phải quê mẹ và gia đình bác Xuân tìm giúp cũng không phải gia đình mẹ. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm làm xôn xao cả làng ấy đã đến tai một người cùng họ với mẹ. Anh gọi điện cho anh Thành cháu mẹ đang sống ở Vinh. Anh Thành gọi điện vào Đắk Lắk theo số điện thoại con gái mẹ. Từ Đắk Lắk, chị gọi cho chồng ở Vinh. Anh nhảy xe vào Quảng Bình báo tin cho mẹ (mẹ và anh chị lúc này đang chơi nhà các chú bên chồng ở Hồng Thủy). Sáng hôm sau, mấy mẹ con lại bắt xe ra Vinh, gặp người cháu ruột. Vừa nhìn thấy mẹ, anh nhận ra những nét giống bố mình (cao, gầy, mũi thẳng, mắt buồn xa xăm,…) và chạy đến ôm chầm trong tiếng nấc: o…ơi…o…ơi…!
Thế là sau 59 năm xa cách (1945-2004) mẹ được gặp lại quê hương, anh em, các cháu yêu dấu. Bà ngoại và cậu Trúc không còn nhưng cậu Mai vẫn khỏe, các cháu đông vui, quây quần bên o vui như hội. Lúc này, bát hương thờ mẹ trên bàn thờ của các gia đình được bỏ xuống. Mẹ đi viếng mộ mẹ, mộ anh. Trước anh linh của bà ngoại, của cậu, mẹ khóc nghẹn ngào, ai oán.  
Hôm sau, mẹ từ biệt người cháu về Nam, dù vợ chồng anh mời mẹ chơi thêm vài ngày, đưa đi thăm bà con đó đây. Mẹ nói: “Cuộc đời o thế này là thỏa mãn lắm rồi. Cứ ngỡ không bao giờ tìm lại được quê hương, anh em, con cháu. Nay tìm được và thấy các cháu ăn nên làm ra, gia đình sung túc, hạnh phúc, o không mong gì hơn nữa!”.
Mẹ về Đà Nẵng, cậu cũng từ Trà Vinh bay ra. Anh em ôm nhau khóc như trẻ con. Mẹ chỉ nhắc đi nhắc lại một câu: “Hồi đó, sao anh bỏ em lại?”, còn cậu nước mắt cứ chảy tràn cho ướt hết mái tóc và lưng áo mẹ. Bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, bao nhiêu ấm ức, tủi hơn hai anh em trút hết trong mấy ngày gặp nhau lần đầu. Từ đó, khi cậu lên Đắk Lắk, khi mẹ xuống Đà Nắng, Trà Vinh để hàn huyên, tâm sự.
Niềm vui gặp lại gia đình đang tỏa hương thì mẹ đón nhận hai tin buồn: Cuối năm 2005, người chồng “tay ấp má kề” gần 50 năm qua đời vì trọng bệnh. Đến cuối năm 2006, người anh trai vừa gặp lại sau 59 năm xa cách, cũng ra đi. Sau khi ra Hà Tĩnh viếng và đưa tiễn người anh trai về cõi vĩnh hằng, mẹ trầm hẳn xuống. Ít nói, không cười và đặc biệt không đi chơi đâu xa. Sức khỏe mẹ cũng giảm nhanh. Bệnh mất ngủ, đau lưng tái phát. Thế nhưng khi biết tin chị dâu mất ở Trà Vinh cuối năm 2019, mẹ đòi xuống viếng và tiễn đưa chị. Con cháu xong phong đi thay và can ngăn mãi mẹ mới chịu.
Năm 2020, mẹ 89 tuổi, mấy chị em bàn nhau tổ chức mừng thọ cho mẹ. Quần áo may xong, bức trướng, hoa tươi đặt cả rồi, nhưng bàn mãi mẹ mới chịu. Đầu tiên mẹ gạt phắt, sau đó con cháu nài nỉ quá, mẹ chỉ đồng ý cho làm trong nhà, không treo trướng, không đọc bài chúc mừng, không mời bất cứ một ai (kể cả thông gia, làng xóm). Mẹ tôi là thế đó, luôn quan tâm lo nghĩ tới người khác mà hy sinh bản thân mình.
Trong ngày mồng Hai Tết Canh Tý, các con, dâu, rể và các cháu nội, ngoại đã tập trung đông đủ dâng lên 89 bông hoa hồng rực rỡ, tươi rói mừng Đại Thọ mẹ, bà, cố kính yêu. Kính chúc mẹ tràn ngập niềm vui, sống vui, sống khỏe, bách niên giai lão với con cháu!
                                         Krông Kma, mồng Hai, tháng Giêng, Canh Tý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét