Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020

NGUỒN GỐC BÀI THƠ CHỮ HÁN CỔ


BÀI THƠ CỔ “BÁN DẠ TAM BÔI

Từ lời chúc của bác Nguyễn Văn Rèn: “Bình minh nhất trản trà/ Nhật mộ tam bôi tửu/ Lương y bất đáo gia”; “Tam nhật đáo phòng trung/ Bách niên giai lão…”. Câu thứ nhất, câu thứ ba, tôi đã nghe nhiều rồi; còn câu thứ hai và câu thứ tư, thứ năm chưa biết ở đâu. Trằn trọc không ngủ được, đành mở máy gõ Google tra cứu. Anh Google hiện ra cho hàng trăm bài, chọn cả buổi được hai bài này (có xuất xứ tin cậy là Văn nghệ Thái Nguyên và Văn nghệ Ninh Thuận). Xin trân trọng đưa lên đây, giúp những bạn chưa nhớ nguyên văn và xuất xứ bài thơ “BÁN DẠ TAM BÔI” như tôi đỡ mất thời gian tìm kiếm.

 

CÓ PHẢI BÀI THƠ “BÁN DẠ TAM BÔI…” LÀ CỦA LÃN ÔNG?

VNTN – Theo bài giới thiệu các câu thơ được trưng bày tại triển lãm “Trà và Thi ca” do Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên thực hiện, tại Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam, năm 2015 (Phấn tuyển chọn do Câu lạc bộ Văn học Trẻ đảm nhiệm), có bài thơ Hán văn ghi như sau:
Bán dạ tam bôi tửu,
Bình minh sổ trản trà.
Nhất nhật cứ như thử.
Lương y bất đáo gia
(Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác)
Tôi tra bộ sách “Y TÔNG TÂM LĨNH” (Nxb Y học, 1993, bốn tập) của Cụ Hải Thượng Lãn ông (1720 -1791), những quyển nhiều sáng tác “Thơ” như: “Ỳ lý nhàn thâu”, “Vệ sinh yếu quyết”, “Lĩnh Nam bản thảo”, “Thượng kinh kí sự”… không tháy bài nào như trên! Trong gần năm mươi bài thơ “ngâm ngợi” của Lãn Ông ở “Thượng kinh kí sự” chỉ thấy ít câu nói về “trà”. Tỉ như những câu: “Trà biết thi hoa thiểu/ Cầm dư khách tứ đa” (Hết trà, thơ nghĩ không ra - Buông đàn nỗi khách lại là chứa chan; tập bốn, tr. 567); “Bất khổ vị trà năng khước thụy” (Đành rằng: không ngủ vì trà; tập bốn, tr. 569); Danh trà yêu khách ẩm/ Đàm tiếu xuất hương yên” (Mời khách uống thứ trà ngon – Nói cười thoảng hương bay; tập bốn, tr. 575). Vậy, đề nghị nhóm tác giả tuyển chọn cho biết xuất xứ!
***
Liên quan đến bài thơ, xin có vài thông tin như sau:
Bài thơ tương truyền, có nguyên văn chữ Hán:

Phiên âm:
Bán dạ tam bôi tửu,
Bình minh sổ trản trà.
Mỗi nhật y như thử,
Lương y bất đáo gia.
Dịch nghĩa:
Nửa đêm ba chén rượu- Sáng sớm một tuần trà -Mỗi ngày cứ như thế -Thày thuốc không đến nhà. Về mặt văn bản, có một chữ trong bản “trưng bày triển lãm’* chép khác: “nhất nhật”, đúng phải là “mỗi nhật” (mỗi ngày). (Ở đây không bàn đến các dị bản có câu thứ ba mang nội dung khác: “Thất nhật dâm nhất độ”).
Trong tùy bút “Chén trà sương” của nhà văn Nguyễn Tuân (tập “Vang bóng một thơi_), đoạn hồi tưởng nhân vật có mấy câu và lời dịch thơ này: “Bây giờ mỗi buổi trà sớm, ngồi uống một mình, tôi cứ nhớ cái tiếng ngâm của quan Đốc. Sớm nào dậy, cụ cũng ngâm một vài bài thơ. Giọng thật ấm, thật trong. Cụ hay ngâm mấy câu này: Bán dạ tam bôi tửu/ Bình minh sổ trản trà/ Mỗi nhật cứ như thử/ Lương ỵ bất đáo gia.
Một buồi sớm, thấy rõ lòng thầy là vui vẻ, tôi mạn phép đọc để cụ Đốc chữa cho bài diễn nôm:
Mỗi sớm một tuần trà - Canh khuya dăm chén rượu - Mỗi ngày được như thế - Thấy thuốc xa nhà ta.
Cụ Đốc cho là được.” Ở đoạn dưới nhà văn còn kể lại một tình tiết:
“Sớm nay, cũng như lúc thỉnh thoảng của mọi ngày, cụ ấm lại bắt người trưởng nam giở tập cổ Văn ra bình lại cả bài Trà ca của Lư Đồng..,**
Tuy là “sáng tác”, câu văn này có thể chỉ dẫn ít nhiều tên bài thơ nổi tiếng về “Trà” cùng tác giả: bài “Trà ca” của Lư Đồng, về tác giả Lư Đồng, cuốn “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ (1768 -1839), mục G “Cách uống chè” bàn luận: “Cách uống chè thì trong sách Kiên bào đã nói rõ. Họ Lư, họ Lục nổi tiếng về uống chè”.
Về họ Luc, đó là Lục Vũ (733 – 804), tự là Hồng Tiệm, Quý Tỳ, hiệu Đông Cương tử, người Cảnh Lăng, Phục Châu (nay là Thiên Môn, Hồ Bắc), đời Đường – tác giả cuốn Trà kinh, dài hơn bảy ngàn chữ, chia ba quyển với mười mục (trà nguyên, trà cụ, trà tạo, trà khí, trà chử, trà ẩm, trà sự, trà xuất, trà đồ, trà lược). Trà kinh vừa tầm lục thư tịch xưa về Trà, vừa tổng kết những tiến triển về Trà trong hơn hai ngàn năm ở Trung Quốc. 
Về họ Lư, đó là Lư Đồng (hay Lô Đồng; 778? 790? – 835), biệt hiệu là Ngọc Xuyên Tử, người Tế Nguyên (có sách nói là Phạm Dượng, nay thuộc Hà Nam – Trung Quốc), một nhà cổ thi, một đạo sỹ của Đạo Lão và một nhà thưởng thức trà nổi tiếng của Trung Hoa, đời Đường, ông thi tiến sỹ nhiều lần không đỗ, sau thích an nhàn, ẩn cư ở núi Thiếu Thất (Hà Nam). Lư Đồng có tập “Ngọc Xuyên Tử thi tập”, có bài thơ nhan đe ‘Tẩu bút tạ Mạnh Gián Nghị ký tân trà” (Tuỳ bút cảm tạ Mạnh Gián Nghị biếu trà mới) hay còn gọi là “am trà ca” (Bài ca uống trà). Đây là bài thơ cổ bảy chữ (thất ngôn cổ thi), bốn mươi câu, thuộc loại thơ vịnh trà danh tiếng lưu truyền đến ngày nay, nhưng không thấy có đoạn nào như bốn câu thơ mà nhân vật “Cụ Đốc” ngâm nga. Trong bài có đoạn “miêu tả” tác dụng của trà:
Nguyên văn
Phiện âm:
Nhất oản hấu vẫn nhuận,
Nhị oản phá cô sầu.
Tam oản sưu khô trường,
Duy hữu văn tự ngũ
thiên quyển. Tứ oản phát khinh hạn,
Bình sinh bất bình sự,
Tận hướng mao khổng tán. Ngũ oản cơ phu thanh,
Lục oản thông tiên linh.
Thất oản khiết bất đắc dã,
Duy giác lưỡng dịch
tập tập thanh phong sinh. Dịch nghĩa:
Chén thứ nhất trơn miệng
thông họng.
 Chén thứ hai xua tan
sự cô đợn phiền muộn.
Chén thứ ba dốc sạch nỗi lòng Chỉ còn bốn nghìn cuốn sách
Chén thứ tư toát mồ hôi Mọi nỗi bất bình trong đời thoát hết ra ngoài
theo lỗ chân lông.
Chén thứ năm xương thịt
đều trong sạch.
Chén thứ sáu
thông lên cõi tiên.
Chén thứ bảy không nhấp nổi Chỉ thấy lớp lớp gió mát sinh ra từ hai bên nách.
Nhân đây lưu ý, bài thơ “Tỳ bà hành” nổi tiếng Bạch Cư Dị (772 – 846) có một chi tiết về việc buôn bán chè thời đó. Người ca nữ về già lấy anh chồng “thương nhân tham lợi, coi thường ly biệt” đã đi buôn chè tận Phù Lương: “Thương nhân trọng lợi khinh ly biệt/ Tiền nguyệt Phù Lương mãi trà khứ” (Khách trọng lợi khinh đường ly cách – Mải buôn chè sớm tếch nguồn khơi?, lời dịch thơ của Phan Huy Vịnh? (Phan Huy Thực?) bỏ qua địa danh Phù Lương!).
Tôi truy tìm trong Cổ thi mà chưa thấy ở đâu cho rằng tác giả bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt về “rượu” và “trà” (“Bán dạ tam bôi…” là Hải Thượng Lãn ông. Các ý kiến bình bàn thường nói la “thơ cổ tương truyền”. Xin nêu nghi vấn để các vị có kiến văn quảng bác, am tường cùng luận định!
                                                                                        Đỗ Tiến Bảng


PHẢN HỒI CỦA TÒA SOẠN BÁO VĂN NGHỆ THÁI NGUYÊN
Sau khi nhận được ý kiến của bạn đọc Đỗ Tiến Bảng (76 Quang Trung, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) gửi đến Tòa soạn bài viết trao đổi về một số nội dung liên quan đến một bài thơ được cho là của Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác trong trang thơ giới thiệu những câu thơ hay đã được tuyển chọn trưng bày tại Triển lãm ‘Trà và thi ca”, Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam năm 2015, chúng tôi đã rà soát lại nguồn sưu tầm bài thơ này và được biết bộ phận tuyển chọn đã sưu tầm bài thơ này từ một số trang mạng về trà trên internet. Vì thế, chúng tôi rất cảm ơn tác giả Đỗ Tiến Bảng đã khảo cứu kỹ lưỡng và cung cấp những thông tin xác đáng để người đọc có dịp xác định rõ hơn tác giả đích thực của bài thơ được truyền tụng trong dân gian này có thực sự là của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác hay không. Chúng tôi nhất trí với tác giả là trong trường hợp này nên để là “thơ cổ tương truyền” thì hợp lý hơn. Rất mong sự ủng hộ và cộng tác thường xuyên của tác giả Đỗ Tiến Bảng đối với Văn nghệ Thái Nguyên!


PHIẾM BÀN VỀ “... LƯƠNG Y BẤT ĐÁO GIA”
(NTO) Bài thơ tứ tuyệt thường đưa ra bàn bạc, phân tích, phản biện... những khi "trà dư tửu hậu" của các thầy thuốc Đông y có nội dung được xem như một phương châm, nguyên tắc phòng chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe của quý ông ở độ tuổi trung niên trở lên, đó là bài thơ “Ngũ ngôn tứ tuyệt” có gốc chữ Hán như sau:
Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh nhất trản trà
Nhất nguyệt dâm nhất độ
Lương y bất đáo gia
Bài thơ có những bản khác nhau (dị bản) ở câu 3 như: “Nhất nhật dâm nhất độ”, “Thất nhật dâm nhất độ”, “Bán nguyệt dâm nhất độ”,... Có người cho rằng bài thơ có nguồn gốc dân gian, ngẫu hứng, được truyền khẩu và thêm thắt, thay đổi nhiều ý khác nhau. Ý nghĩa ngắn gọn của bài thơ là: Nửa đêm uống 3 chung rượu nhỏ, sáng sớm uống một tách trà, một tháng ái ân một lần, thầy thuốc không đến nhà.
Ý câu thứ nhất là nửa đêm thức dậy uống 3 chung rượu sẽ làm cho khí huyết lưu thông, điều hòa tạng phủ, phòng ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, ý bàn ở đây là nửa đêm dậy để uống rượu có phải là một sinh hoạt bình thường không? Rượu cất bằng chất liệu gì? Ly uống rượu dung tích bao nhiêu? Hiệu ứng đối với cơ thể mỗi người ra sao? Mùi rượu có gây khó chịu cho người khác trong nhà không?… Không đơn giản tý nào! Nửa đêm dậy uống rượu có lẽ chỉ có người nghiện rượu, khó ngủ mới uống được kiểu đó, người bình thường không thể làm được vì sẽ rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến giấc ngủ của người trong nhà, người nằm chung,... nếu uống thường xuyên, liên tục chắc chắn sẽ dẫn đến nghiện rượu, thậm chí còn có thể dẫn đến mất hạnh phúc vợ chồng. Về chất lượng rượu thường dựa theo chuẩn là gạo nấu ủ men cất lấy rượu, tuy nhiên cũng không phải chất lượng như nhau, còn tùy thuộc chất lượng gạo, nguồn gốc sản xuất, chất lượng men, nhiều cách ủ nấu khác nhau sẽ cho ra rượu có nồng độ, chất lượng, ngon dở, lợi hại,... khác nhau. Về dung tích ly (chung) dùng uống rượu cũng có nhiều cỡ loại, tùy theo tửu lượng của người uống mà có tác dụng, hiệu ứng khác nhau. Như vậy, ý nghĩa nửa đêm dậy uống rượu chẳng qua là nói cho vui, nói ước lệ để có cớ cho người đàn ông có quyền uống rượu bất cứ lúc nào, tùy theo ý thích, không ai được cấm cản. Lập luận cho ý đó có những câu như “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, “Một trà, một rượu, một đàn bà…”.
Câu thứ hai là sáng sớm, mặt trời mới lên uống 1 tách trà nóng sẽ làm cho tinh thần tỉnh táo, sáng suốt, làm việc nhanh nhạy, hiệu quả, ngoài ra trà còn có một số tác dụng giải nhiệt, giải khát, tan đàm, dễ tiêu hóa, lợi tiểu, giải độc… dùng chữa một số bệnh như nhức đầu, mờ mắt, mệt mỏi gây ngủ nhiều, tâm phiền nhiệt, miệng khô khát, ăn khó tiêu, kiết lỵ…. Tuy nhiên, đối với người khó ngủ, táo bón,... thì không nên uống trà hàng ngày.
Ý câu thứ ba, khoản “ái ân” có ý nêu ra một tháng một lần, nửa tháng một lần, một tuần một lần hoặc một ngày một lần,... không phải đơn giản khi phân tích, luận bàn cho hợp lý. Nếu người có sức khỏe tốt mà một tháng chỉ có một lần thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Còn như nửa tháng một lần ở độ tuổi 60-70, sức khỏe bình thường là hợp lý, nhưng tuổi thanh niên trai tráng khỏe mạnh thì chưa hợp lý. Có lẽ câu “Thất nhật dâm nhất độ” là vừa phải, hợp lý với lứa tuổi thanh niên, trung niên, người có sức khỏe bình thường. Nhưng cũng tùy, có người có thể tạng, sức khỏe, di truyền, nhu cầu đặc biệt về tình dục “Nhất nhật dâm nhất độ” diễn ra bình thường, thậm chí “vào ba, ra bảy” mà giới thầy thuốc biết được trong số bệnh nhân, qua đồn đại, "trà dư tửu hậu",...
Trong đời sống hàng ngày nếu mọi người thực hiện được cách mức điều độ về trà, rượu, tình dục, các sinh hoạt khác thì sức khỏe sẽ ổn định, bình thường, “Lương y bất đáo gia” - Thầy thuốc không đến nhà... để khám chữa vì sinh bệnh do cách sống không hợp lý.
Như vậy, bài thơ trên có giá trị như thế nào cho cách sống của chúng ta không? Khó mà kết luận được, “chín người - mười ý”, người cho là đúng- có lý, kẻ bảo là sai - vô lý,... đúng là khó thật. Thời xưa, dưới chế độ xã hội “Nam trọng, nữ khinh”, người đàn ông là chủ, toàn quyền trong gia đình, muốn làm gì thì làm, gia trưởng, quan liêu, độc đoán, ... mọi người trong nhà phải tuân thủ, hầu hạ mới có kiểu sống theo nội dung bài thơ trên. Bây giờ cũng có thể có người sinh hoạt theo cách riêng của mình, nhưng đừng làm phiền người khác trong nhà. Nửa đêm thức dậy lò mò lấy rượu ra uống một mình là chỉ có nghiện rượu hoặc... tâm thần mà thôi, không một ai trong nhà tán đồng, ủng hộ, gây phiền hà, bực mình là cái chắc. Nên dẹp bỏ cách uống rượu kiểu này.
Sáng sớm, uống một vài ly trà ngon là thói quen của nhiều người từ xưa, uống cà phê kèm uống trà buổi sáng là thói quen của mọi người trong xã hội bây giờ, từ nông thôn đến thành thị, khắp mọi nơi. Như vậy, việc uống trà buổi sáng là bình thường, chỉ có uống trà ngon dở, đậm nhạt, nhiều ít, lâu mau,... một mình hay có bạn trà - cà phê?
Việc còn lại là sinh hoạt tình dục, tùy sức khỏe, bản năng, điều kiện, nhu cầu của từng người, không thể quy ước một lịch sinh hoạt chung cho tất cả mọi người, cho nên ý nghĩa câu thơ này có giới hạn nhất định, không thể áp dụng chung được.
Tóm lại, bài thơ trên chỉ mang tính ước lệ, có thể phù hợp với con người nhất định và hoàn cảnh xã hội thời xưa, với xã hội bây giờ không thể áp dụng được, chẳng qua khi có dịp ngồi với bạn bè thân hữu, đồng môn, đồng nghiệp,... nói phiếm với nhau cho vui mà thôi! Xin lạm bàn vậy.
                                                                               Lê Vân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét