Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

Nét ngài trong Truyện Kiều-Nguyễn Công Thanh

“NÉT NGÀI” TRONG TRUYỆN KIỀU

Đọc bài “Nét ngài trong Truyện Kiều của Nguyễn Xuân Tùng (Báo GD & TĐ số 78/2003) người xứ Nghệ sẽ reo lên: Đúng! Đúng lắm. Chả là phương ngữ Nghệ Tĩnh thường có hiện tượng đọc chệch âm như âm “ươ” thành âm “a” (nước→ nác, người→ ngài); âm “âu” thành âm “u” (trâu→ tru); âm “uô’ thành âm “o” (muối→ mói, muỗi→ mọi)…
Tuy nhiên, muốn tìm hiểu nghĩa của từ ngữ trong tác phẩm văn học cổ (nhất là những tác phẩm lớn như Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du) chúng ta không chỉ căn cứ vào phương ngữ như lập luận của ông Tùng mà phải dựa vào nhiều yếu tố như quan điểm sáng tác, quan điểm thẩm mĩ của thời đại, tài năng của người nghệ sĩ trong việc sử dụng từ ngữ, khai thác các điển tích điển cố, vận dụng sáng tạo tục ngữ, ca dao, dân ca…
Truyện Kiều ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, sáng tác theo quan điểm mĩ học phong kiến. Dù được viết bằng chữ Nôm nhưng tác phẩm vẫn mang nhiều yếu tố Hán và tính qui phạm của văn học trung đại: lấy cốt truyện của văn học cổ Trung Quốc, mang cái võ ngoài là truyện của đời “Gia Tĩnh triều Minh”. “Chân dung nhân vật không dựng lên theo lối tả thực mà được khắc họa theo phương pháp ước lệ, tượng trưng, thiên về công thức trừu tượng, nhẹ về cá tính, cụ thể trong nghệ thuật” (Nguyễn Đình Chú). Khi tả Thúy Vân, tác giả chỉ chọn vài chi tiết tiêu biểu như khuôn mặt, nét mày, nụ cười, lời nói, suối tóc, làn da. Các chi tiết trên nếu hiểu theo lối tả thực thì cô Vân làm sao “mười phân vẹn mười”? Người phụ nữ đẹp là người có khuôn mặt trái xoan chứ tròn vành vạnh như mặt trăng sao gọi là đẹp! Vì thế, cần hiểu Nguyễn Du dùng hình ảnh “khuôn trăng”, “nét ngài’… là cách sử dụng thi liệu, văn liệu đã thành những mô típ quen thuộc trong văn học cổ. Chẳng hạn, nói đến cây thường là tùng, trúc, cúc, mai. Nói đến người thường là ngư, tiều, canh, mục. Nói đến mùa xuân bao giờ cũng có hoa đào, hoa mai, chim én. Tả chàng trai thì phải có mày râu; người phụ nữ thì tấm thân bồ liễu… Đồng thời quan điểm thẩm mỹ thời đại Truyện Kiều ra đời cho người phụ nữ đẹp là người mảnh mai, e lệ, phảng phất nét buồn như cúc, điệu gầy như mai. Do đó, hiểu như ông Tùng “nét ngài trong câu Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang không nhằm chỉ lông mày. Mà ở đây theo tiếng địa phương Nghệ Tĩnh ngài là người (…). Như vậy nét ngài nở nang theo tôi cách hiểu hợp lý nhất là con người đầy đặn, cơ thể nở nang” chỉ phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của ngày nay chứ không phù hợp với quan điểm thẩm mỹ thời Nguyễn Du viết Truyện Kiều. Mặt khác, từ thường có nhiều nghĩa. Muốn hiểu chính xác nghĩa của từ phải tìm hiểu nghĩa trong văn cảnh. Ví dụ: Từ xuân trong câu thơ Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua có nghĩa khác xa với từ xuân trong câu thơ Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán. Tương tự, nét ngài trong câu Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang có nghĩa khác với mày ngài trong câu Râu hùm, hàm én, mày ngài hoặc Bên thì mấy ả mày ngài
Theo chúng tôi, cách chú giải của nhà Hán học Đào Duy Anh: “Nét ngài nở nang: Chỉ nét lông mày nhỏ mà dài như râu con ngài (nga my)” (Truyện Kiều-Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội-1979) là hoàn toàn chính xác. Tiếp đến trong câu 2167: Râu hùm, hàm én, mày ngài, ông chú giải: “Râu hùm hàm én do chữ Hán “yến hàm hổ cảnh” (hàm én cổ cọp) là tướng Ban Siêu đời Hán, người xưa cho là tướng anh hùng. Đây đổi “cổ hùm” thành “râu hùm”. Mày ngài: ở đây có lẽ là theo câu ‘my nhược ngọa tàm”, lông mày giống như con tằm nằm, của sách tướng xưa, chỉ lông mày to rậm”. Hai từ ngài nhưng lấy ở hai tích khác nhau, đề cập đến hai khía cạnh của con vật: râu (ở câu đầu), dáng con tằm nằm (ở câu sau). Câu đầu nhà thơ nhấn mạnh nét, các câu sau nhấn mạnh toàn thể sự vật (mày). Đây là cách giải nghĩa từ dựa vào ngữ cảnh, vào hoàn cảnh lịch sử tác phẩm ra đời, vào quan điểm sáng tác và quan điểm thẩm mỹ của thời đại.
Sách Văn học 9 chú giải (như ông Tùng trích dẫn) chẳng có gì là sai, là “vô lí” hay “mâu thuẫn” mà đó là cách giải thích phù hợp với lứa tuổi và trình độ của học sinh lớp 9. Vả lại, các em còn được thầy cô giáo giảng giải nữa kia mà!

                                                Nguyễn Công Thanh
                         (Báo Giáo dục và Thời đại số 87/2003)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét