Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

Vài lời chiêu tuyết cho Thúy Vân-Nguyễn Công Thanh

VÀI LỜI CHIÊU TUYẾT CHO THÚY VÂN

Xưa nay có hai cách nhìn nhận, đánh giá nhân vật Thúy Vân trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: một chia sẻ, cảm thông, yêu mến; một thờ ơ, hững hờ, trách móc. Gần đây, trong bài Thúy Vân, em là ai (THT số 277+278) TS. Lê Thu Yến một lần nữa đứng về quan niệm thứ hai chê trách Thúy Vân vô tâm, vô cảm.
Ai cũng biết chủ ý của nhà thơ xây dựng nhân vật Thúy Vân là để làm nền cho nhân vật Thúy Kiều. Thúy Vân đẹp là thế nhưng khi Kiều xuất hiện, người đọc thấy Vân nhạt nhòa, khuôn cứng. Tuy thế, Nguyễn Du vẫn dành cho Vân nhiều tình yêu: Hoa cười, ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. Gặp Kim Trọng, vẫn cũng e lệ nép vào dưới hoa. Có điều, Vân là con người của lễ nghĩa, gia giáo “đoan trang” nên không có cái nhìn sắc sảo, tình yêu bùng nổ như chị. Cũng chính vì con người lễ nghĩa nên Vân không kích động trước nấm mồ Sè sè nấm đất bên đường của người ca sĩ Sống làm vợ khắp người ta, cho nên cất tiếng trách chị Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.
Việc Vân nhận lời khẩn cầu của Thúy Kiều Xót tình máu mủ thay lời nước non, theo tôi vì hai lẽ:
Thứ nhất: Thúy Kiều cầu xin quá tha thiết (lạy lục, xin xỏ, cầu cạnh):
Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi mới thưa
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Thứ hai: Kim Trọng là một người tài hoa phong nhã. Vân đã gặp, đã được giới thiệu và nàng rất cảm kích:
Trộm nghe thơm nức hương lân
Một nền đồng tước khóa xuân hai Kiều.
Đêm trước ngày phải xa gia đình, Kiều không ngủ được là lẽ thường tình. Bên cạnh nỗi đau chung, nàng xót xa vì mối tình riêng với chàng Kim. Lời thề Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời; Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai không thực hiện được, Kiều suy nghĩ, đắn đo và cuối cùng nhờ em thay mình. Còn Vân vừa nhỏ dại hơn lại chẳng có chuyện riêng gì cần nghĩ ngợi nên đắm chìm trong “giấc xuân” cũng là lẽ thường tình. Mà có riêng gì Vân, những bậc sinh thành (vừa được Kiều cứu thoát) cũng chợt tỉnh giấc nồng khi Kiều khóc cho đến ngất đi.
Còn lời nói nối duyên cho chị trong buổi đoàn viên lại xuất phát trong tâm trạng vui sướng cực độ sau mười lăm năm xa cách. Vả lại, Vân lúc này không thực sự tỉnh táo mà đang ở trong trạng thái Tàng tàng chén cúc dở say. Mặt khác, nàng hiểu nhầm chủ ý của chị khi Kiều chào: Này chồng, này mẹ, này cha/ Này là em ruột, này là em dâu nên khơi mào cho chị. Thương chị quặn lòng, Vân nói điều đó. Thương mình khôn xiết, nàng quá chén “dở say”.
Tóm lại: Thúy Vân tuy là con người “đầy đặn”, “đoan trang”, không có cái “sắc sảo mặn mà” như Thúy Kiều nhưng cũng không phải là hạng “xuất hiện ba lần mà lần nào cũng trơ như hòn đá” hay “vô tình nhiều quá”.
Bản thân tôi, có khi hứng cũng vịnh Kiều:
Thúy Vân cùng với chàng Kim
Dẫu là chăn gối vẫn thèm tình yêu
Càng thương cho phận Thúy Kiều
Sắc tài toàn vẹn phải liều bán thân!
Mà chưa hẳn đã đúng với suy nghĩ cặn kẽ khi phân tích nhân vật.

                                                        Nguyễn Công Thanh
                 (Tạp chí Tài hoa trẻ số 291/2003)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét