Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Nỗi buồn trong sáng của Puskin trong "Con đường mùa đông"

NỖI BUỒN TRONG SÁNG CỦA THI NHÂN

Nhà thơ miêu tả “con đường mùa đông” rất đặc trưng Nga trong một đêm trăng mờ. Con đường trắng xóa băng tuyết trải dài giữa thảo nguyên mênh mông và hoang vắng. Cũng có trăng nhưng không không phải là ánh trăng sáng “vằng vặc giữa trời”, hay ánh trăng hồn nhiên, vui tươi, nhí nhảnh “vào cửa sổ đòi thơ” mà là ánh trăng vô hồn, ánh trăng buồn bã đang uể oải chiếu sáng xuống cánh đồng buồn:
Trăng buồn bã dội ánh sáng
Lên cánh đồng u buồn.
Giữa không gian hoang vắng và nhàn nhạt ấy chỉ có một cỗ xe tam mã đang lao vun vút trên con đường vắng. Cái vắng đến rợn người. Mọi dấu hiệu của sự sống như ánh lửa, mái lều… đều biến mất; thay vào đó là “rừng sâu” và “tuyết trắng”. Do đó âm thanh đều đều của tiếng lục lạc, lời ca trầm bổng của bác xà ích vang xa trong đêm vắng càng tạo cho cảnh thêm buồn, thêm cô quạnh.
“Con đường mùa đông” trải dài trong cả hai chiều thời gian và không gian. Điều thú vị ở đây là trục thời gian có sự chuyển dời theo ánh trăng, theo sương mờ và theo hoạt động của bác xà ích thì trục không gian dường như bất biến. Thời gian dù có chuyển đổi từ lúc “mặt trăng nhô ra” đến lúc “sương mờ che lấp ánh trăng nghiêng” thì không gian vẫn “rừng sâu”, “tuyết trắng”, vẫn “không một ánh lửa, mái lều”… Vì vậy, “con đường mùa đông” còn có ý nghĩa tượng trưng. Phải chăng đó là con đường bế tắc của nước Nga sau thất bại của những người tháng chạp? Phải chăng đó là con đường “tẻ ngắt” của thi nhân?
Các nhà thơ lớn thường mượn cảnh để ngụ tình, mượn không gian bao la, quạnh quẽ để giãi bày nỗi cô đơn, buồn bã, phẫn uất. Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du đã lấy cảnh “bốn bề bát ngát xa trông” ở cửa bể chiều hôm để diễn tả tâm trạng buồn, lẻ loi, đơn chiếc của nàng Kiều khi bị giam ở lầu Ngưng Bích. Còn ở đây, Puskin lại mượn cảnh “con đường mùa đông” lạnh lẽo, mịt mờ, xa thẳm để gửi gắm tâm trạng buồn, cô đơn, phẫn chí của mình. Lúc này, “Nhà thơ bị đày ải ở phương Bắc và luôn bị Nga hoàng ra sức mua chuộc, dọa nạt, bọn văn sĩ phản động ra sức tấn công, vu khống” (Nguyễn Hải Hà-Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục-Hà Nội 1978, tr, 39) nên âm hưởng chung của bài thơ là buồn. Cảnh buồn. Người buồn. Nỗi buồn ấy khi ẩn mình trong cảnh vật hoang sơ, giá lạnh của mùa đông Nga, khi hiện ra bằng ngôn từ miêu tả về vầng trăng “buồn bã”, về cánh đồng “u buồn”, về con đường “buồn tẻ’, về tiếng nhạc ngựa “đều đều mỏi mệt”, về không gian lạnh ngắt “không một ánh lửa, mái lều”… Đặc biệt nỗi buồn đó còn được bộc lộ trực tiếp thông qua lời thủ thỉ tâm tình với nàng Nhina yêu dấu của nhân vật trữ tình: “Chán quá, buồn quá… ngày mai, Nhina”.
Có thể nói nỗi buồn thấm đẫm trong cả bài thơ từ hình ảnh, ngôn ngữ, âm điệu đến cảm xúc, nhưng đó không phải là nỗi buồn tuyệt vọng, buông xuôi mà là “nỗi buồn trong sáng” của một tâm hồn yêu cuộc sống, yêu tự do, yêu nước Nga tha thiết. Tình yêu ấy đã giúp nhà thơ cảm nhận được âm thanh ngọt ngào của làn điệu dân ca Nga từ lời ca của bác xà ích. Tính yêu ấy tiếp thêm sức mạnh giúp nhà thơ vẫn nghĩ về tình yêu, về cuộc đời và mơ ước về tương lai tự do, tốt đẹp, hạnh phúc…
                                                                       Nguyễn Công Thanh
                               (Báo Giáo dục & Thời đại số 113, 2001)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét