Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Khát vọng tình yêu trong "Sóng" của Xuân Quỳnh

KHÁT VỌNG TÌNH YÊU CỦA MỘT TÂM HỒN TRONG SÁNG

Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ viết nhiều và viết hay về tình yêu. Chị thường lấy những hình tượng xao động, phóng khoáng như sóng, biển và thuyền… để hóa thân, để giãi bày tâm sự. Sóng là bài thơ đặc sắc của chị được sáng tác trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” cả nước lên đường đánh giặc (1968).
Bài thơ mở đầu bằng những hình ảnh đối lập: “Dữ dội”/ “dịu êm”, “ồn ào/ “lặng lẽ’. Những trạng thái đối cực của cơn sóng được cảm nhận bởi một tâm hồn vừa dạt dào sôi nổi vừa êm dịu lắng sâu. Xuân Quỳnh tìm thấy nét tương đồng giữa những cơn sóng tâm tình của lòng mình với những cơn sóng của biển cả. Mỗi trạng thái tâm hồn chị lại tìm thấy sự tương hợp với một khía cạnh, một đặc tính của sóng. Và cũng như sóng, tâm hồn thi nhân không chịu được sự chật hẹp, gò bó mà luôn “tìm ra” với “biển lớn tình yêu”:
Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.
Hình tượng sóng của “ngày xưa”, của “ngày sau”; hình tượng sóng ở “dưới lòng sâu” hay “trên mặt nước” dào dạt vỗ vào bờ “ngày đêm không ngủ được” vì nhớ bờ được dùng làm ẩn dụ để chỉ tình yêu muôn thuở “có bao giờ đứng yên” từ Đông Tây Kim cổ luôn hướng về “bờ” hạnh phúc lứa đôi. Dường như những đợt sóng của “nỗi khát vọng tình yêu” cuồn cuộn dâng trào “trong ngực trẻ” làm cho “chiếc cầu nối” mảnh mai của phép ẩn dụ không đủ sức chuyển tải hết cảm xúc nên nhân vật trữ tình đứng tách ra khỏi “sóng” để trực tiếp bộc bạch nỗi thương yêu và khát vọng mãnh liệt của mình:
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Hình ảnh “trong mơ còn thức” là hình ảnh rất đẹp và thơ mộng nhằm diễn tả tình yêu vừa trong sáng, sâu sắc vừa mãnh liệt đắm say. Hai câu thơ được đứng riêng ra tạo thành một khổ tưởng như phá vỡ tính cân đối của cấu trúc bài thơ nhưng chính sự không bình thường ấy đã tạo điều kiện giúp Xuân Quỳnh bày tỏ hết lòng mình cũng như tạo sự chú ý cho “anh”; để rồi chị dồn tất cả tình yêu và nỗi nhớ hướng về anh:
Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương
Ở đây, “phương Bắc”, “phương Nam” không còn chỉ phương xác định mà mang tính chất chỉ chung mọi phương, từ đó tạo nên sự đối lập giữa “muôn phương” với “một phương”. Cũng như cách nói ngược: “Xuôi về phương Bắc”, “ngược về phương Nam” là một dụng ý để khẳng định tình yêu trong sáng, thủy chung, chân thật bất chấp mọi thách thức, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Vì thế, sự xa cách về không gian có nghĩa gì khi mà ở “nơi nào” em cũng “nghĩ”, cũng “hướng về anh”!
                                                             Nguyễn Công Thanh
                                               (Báo Giáo dục &Thời đại số 94, 2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét