Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

TAM SOA-LINH CẢM


BẾN TAM SOA-LINH CẢM
          Nếu coi Linh Cảm là ngôi nhà thì bến Tam Soa là cửa và phòng khách xinh tươi của ngôi nhà lộng lẫy ấy. Tam Soa là nơi sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu hòa vào dòng La Giang - một con sông không nguồn, không cửa chỉ dài độ 17 km, chảy qua huyện Đức Thọ, sau đó hợp lưu với dòng sông Lam hùng vĩ.

Bến Tam Soa, nơi hội tụ của ba con sông tạo nên một ngã ba, một mặt nước rộng chừng 50 ha. Chữ “soa” có thể do đọc chệch từ chữ “sa” (cát). Cũng có người cho “Tam Soa” là nơi giao thoa của ba con sông. Ngày trước, đứng trên núi Tùng Lĩnh nhìn sang bên kia sông là bãi cát dài vàng óng mịn màng. Nguồn nước Ngàn Phố, Ngàn Sâu không quá mạnh, sông La lại êm ả, lững lờ trôi trên vùng đất bằng phẳng nên cát vàng lưu luyến lắng lại, không nỡ rời xa mảnh đất hương thơm cỏ lạ. Những đêm thượng tuần hay hạ huyền, ánh trăng man mác trôi trên bến Tam Soa thật huyền diệu, mộng mơ. Lúc ấy, dạo bước trên con đường lát sỏi dưới bóng thông xanh mướt, thả hồn chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền diệu, thanh bình của non xanh nước biếc, ta cảm thấy thư thái, quên hết mọi ưu phiền giữa chốn bụi trần.
Ngày xưa, Tam Soa là bến đò. Đò dọc xuôi Vinh, ngược Ngàn phố lên Phố Châu và ngược Ngàn Sâu lên Hương Khê. Đò ngang đưa khách từ Đức Thọ ngược Hương Sơn, lên biên giới Việt Lào và từ Hương Sơn xuôi Đức Thọ, về thị xã Hà Tĩnh, về Vinh. Khi đường số 8 được xây dựng, Tam Soa trở thành bến phà. Nhiều bài thơ, bài ca đã nhắc đến Tam Soa-Linh Cảm: Ai lên Hương Sơn vượt phà Linh Cảm, đọi nước chè ấm giọng hò khoan” (Hà Tĩnh Trên Con Đường Chiến Thắng); “Tôi đi từ chợ Thượng, tôi ngược bến Tam Soa/ Như con thuyền ngày xưa, tôi đi theo Ngàn Phố” (Ơi con sông Ngàn Phố).
Tam Soa là chứng nhân lịch sử oanh liệt trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Từ Tam Soa ngược theo sông Ngàn Phố lên Nầm là trận đại thắng giặc Minh vào năm 1425 của quân khởi nghĩa Lam Sơn do tướng Nguyễn Tuấn Thiện chỉ huy. Cũng từ Tam Soa ngược Ngàn Sâu lên Ngàn Trươi là trận thắng lớn giặc Pháp của nghĩa quân Phan Đình Phùng vào năm 1894. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tam Soa-Linh Cảm là trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ. Nhưng “giặc phá một ta làm mười”, ban ngày, ca nô, phà nấp bên sườn núi, dưới hàng thông, bờ tre. Đêm đêm, lặng lẽ đưa từng đoàn xe, đoàn quân qua sông chi viện cho chiến trường miền Nam và nước bạn Lào.  
Những năm sau 1975, Tam Soa-Linh Cảm là thị tứ đô hội sầm uất, trên bến dưới thuyền. Không chỉ là bến phà qua sông mà còn là bến ca nô chở khách từ Linh Cảm đến Bến Thủy. Những năm đó, thỉnh thưởng trưa thứ Bảy, chúng tôi từ Bến Thủy cưỡi ca nô về Linh Cảm. Sau đó cuốc bộ chừng 12 km về nhà. Trưa Chủ nhật lại từ Linh Cảm xuôi ca nô về Bến Thủy cho kịp buổi học sáng thứ Hai.
Linh Cảm thuộc Đức Thọ, được xây dựng trên ngọn núi thấp Tùng Lĩnh. Trước đây có nhà máy sản xuất gạch ngói, đồ gốm, nước đá, kem và trạm bơm điện, lấy nước từ sông La chảy vào kênh đào cung cấp nước cho hai huyện Đức Thọ, Can Lộc. Dọc hai bên đường từ bến phà lên là hàng quán san sát bán kẹo lạc, nước chè xanh và trái cây đủ loại. Trung tâm Linh Cảm là cửa hàng ăn uống phục vụ khách qua đường. Cũng là nơi sản xuất nước đá, kem cây duy nhất của hai huyện Hương Sơn, Đức Thọ. Hè năm lớp 10, khi xuống Đức Thọ thi đại học, tôi mới biết Tam Soa-Linh Cảm và lần đầu tiên được thưởng thức cây kem mát rượi, thơm ngon.
Từ ngày được thiết kế và làm lại (1988), đường số 8 không chạy qua Tam Soa-Linh Cảm. Một cây cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu được xây trên sông sông Ngàn Sâu, cách bến Tam Soa khoảng 500 mét. Cũng từ đó, những đội cầu, phà, ca nô hết vai trò lịch sử. Tam Soa-Linh Cảm mất hết vẻ sầm uất, lặng lẽ ngước nhìn người xe tập nập ngược xuôi ngày đêm trên cây cầu vững chãi. Người qua lại không còn. Người mua bán, ăn uống cũng hết. Do đó, hàng quán cũng tự động di dời đến nơi khác.
Linh Cảm là nơi xây dựng khu di tích và phần mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú. Từ năm 1984, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh phê duyệt Dự án nâng cấp khu di tích, tu bổ nhà thờ, xây dựng mới nhà trưng bày quy mô 300m2. Sau khi tìm được hài cốt đồng chí Trần Phú tại công viên Lê Thị Riêng (Thành phố Hồ Chí Minh), ngày 12/01/1999, Đảng và Nhà nước ta đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí về an táng tại quê hương. Phần mộ đồng chí Trần Phú được đặt trên đồi Quần Hội, dưới bóng những hàng thông, giữa một vùng non nước hữu tình, mặt hướng về bến Tam Soa. Phía trước có khoảng sân khá rộng lát bằng đá nguyên khối là nơi để khách hành lễ. Phía sau, trên nền bức bình phong màu nâu đỏ gắn lời căn dặn cuối cùng của đồng chí: “HÃY GIỮ VỮNG CHÍ KHÍ CHIẾN ĐẤU”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét