Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

Vài suy nghĩ về tác phẩm "Độc Tiểu Thanh ký" của Nguyễn Du-Nguyễn Công Thanh

“SON PHẤN” VÀ “VĂN CHƯƠNG”
CỦA NÀNG TIỂU THANH

Nguyễn Du là nhà thơ có lòng thương cảm sâu sắc với mọi kiếp người, đặc biệt là với những người phụ nữ tài sắc bị xã hội vùi dập. Trong Truyện Kiều, ông đã nhiều lần thốt lên:
        Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Độc Tiểu Thanh ký là “tiếng thơ xé lòng”, là nỗi oán hận của một nghệ sĩ lớn dành cho thân phận “hồng nhan bạc mệnh”, bị người đời bỏ quên của nàng Tiểu Thanh. Ba thế kỷ là quãng thời gian dài đằng đẵng, biết bao du khách đến thăm thú, du ngoạn Hồ Tây, biết bao thi nhân mặc khách đã biết cuộc đời nàng, tận mắt chứng kiến nấm mồ vắng tanh hương khói và biết bao người đã đọc tập di cảo còn sót lại của nàng nhưng mấy ai hiểu và thương xót, than khóc cho thân phận nàng Tiểu Thanh? Ai ngờ, người hiểu và thông cảm sâu sắc cho nàng lại là một quan sứ Việt Nam. Tất cả nỗi niềm tâm sự với nàng ông dồn bút vào tuyệt tác Độc Tiểu Thanh ký.
Bài thơ mở đầu bằng một hình ảnh đối lập: Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang. Đối lập giữa quá khứ “cảnh đẹp” với hiện tại “gò hoang”; đối lập giữa hai cảnh “Tây Hồ” (thắng cảnh) với “gò hoang” (tàn phế, hoang vu cô quạnh) nhằm gợi lên sự thay đổi phũ phàng của tạo hóa và nói lên niềm thương cảm xót xa của thi nhân khi cái đẹp bị tàn phá, bi tiêu hủy.
Đau xót vô hạn nhưng thi nhân chỉ viếng nàng qua “mảnh giấy tàn” đọc trước cửa sổ. Bản dịch Thổn thức bên song mảnh giấy tàn rất hay và thoát ý. Nhà thơ vừa đau xót vừa tự dày vò mình là không đến được “gò hoang” để thắp cho nàng nén hương thương cảm. Từ “mảnh giấy tàn” còn sót lại, Nguyễn Du nghĩ tới cuộc đời nàng-cuộc đời đầy bất hạnh, chết rồi còn bị vùi dập; một chút tinh túy (tập thơ) để lại cho đời vẫn bị thiêu hủy.
Hai câu: Son phấn có hồn chôn vẫn hận/ Văn chương không mệnh đốt còn vương bộc lộ thái độ thông cảm lạ lùng của đại thi hào. Ông chỉ nhắc tới hai mặt nổi bật trong cuộc đời Tiểu Thanh là “son phấn” tượng trưng cho sắc đẹp và “văn chương” tương trưng cho tài năng. Đề cao sắc đẹp và tài năng của người phụ nữ trong xã hôi phong kiến là quan điểm tiến bộ của Nguyễn Du so với thời đại- thời chỉ ghi nhận người phụ nữ ở sắc đẹp.
Từ nỗi hận của Tiểu Thanh, nhà thơ nghĩ tới, bàn tới cái hận của muôn đời, cái hận của kiếp tài hoa: Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi. Hóa ra, nỗi hận, nỗi oan của Tiểu Thanh không phải là cá biệt mà là nỗi đau chung của mọi kiếp người tài hoa. Hay nói cách khác, những người tài hoa không có chỗ dung thân trong xã hội phong kiến. Họ phải ôm kiếp hận ngàn năm. Đó là nỗi hận lớn, trải dài trong thời gian vô tận.
Không hỏi được trời, không có lời giải đáp, nhà thơ càng hận, càng đau xót và hạ bút: Phong vận kỳ oan ngã tự cư. Một đại quan, một chánh sứ tự coi mình là người cùng hội cùng thuyền với kẻ mắc nỗi oan vì nét phong nhã bị người đời vùi dập, bỏ quên. Đây chính là tấm lòng nhân ái, bao dung, cái làm nên sự vĩ đại của Nguyến Du và sự trường tồn các thi phẩm của ông.
Từ thương người, thương đời, uất hận xã hội, ý thơ chuyển sang thương mình. Từ hình thức kể chuyển sang hình thức hỏi. Không hỏi quá khứ, hiện tại mà hỏi tương lai; không hỏi trời đất, thánh thần mà hỏi người đời ba trăm năm sau có ai khóc Tố Như như hôm nay Tố Như đang khóc nàng Tiểu Thanh?

                                               Nguyễn Công Thanh
           (Báo Giáo dục & Thời đại số 87/2001)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét