Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

"Mùa xuân chín"-một mùa xuân đầy màu sắc và âm thanh

MÙA XUÂN CHÍN-MỘT MÙA XUÂN
ĐẦY MÀU SẮC VÀ ÂM THANH

Vườn thơ của Hàn “rộng rinh không bờ bến”. Ở đó, không chỉ có những vần thơ đau thương, kì dị, điên cuồng, tuyệt vọng mà còn có cả những vần thơ đầy thơ mộng, trong sáng, yêu đời… viết về cảnh quê, tình quê. Bài thơ Mùa xuân chín là một trong những bài thơ thuộc loại đó mà Hàn hiến dâng cho đời.
Mùa xuân được nhà thơ cảm nhận bằng ánh nắng vàng. Nắng dịu dàng ấm áp. Mới chỉ là “nắng ửng” chứ chưa phải là nắng chói chang của mùa hạ. Ánh nắng được Hàn nhìn qua làn khói nhẹ, qua ánh vàng “lấm tấm” trên mái nhà nên càng gợi cảm và thơ mộng. Đây là cách nhìn nắng rất riêng của Hàn mà chúng ta đã từng bắt gặp trong cách “nhìn nắng hàng cau” (Đây thôn Vĩ Dạ).
Cùng với màu vàng của nắng là màu xanh của đất trời, cây cỏ, của “tà áo biếc”… nhưng nhà thơ chỉ đặc tả màu xanh tươi mơn mởn, vô tận của “sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”.
Hàn tả màu xanh không phải để làm nền tôn màu trắng của hoa lê như Nguyễn Du trong Truyện Kiều mà để làm nổi bật màu xanh như ngọc của cỏ non dưới nắng vàng mùa xuân.
Mùa xuân không chỉ đẹp. Mùa xuân còn là mùa của lễ hội, mùa của trai tài gái sắc đi chơi xuân.
Hàn Mạc Tử lắng nghe hơi thở thầm thì của mùa xuân. Từ âm thanh rất nhỏ của tà áo bay trong gió đến tiếng hát của các thôn nữ trên sườn đồi đều được nhà thơ ghi lại và làm nổi rõ. Phép đảo ngữ đưa “sột soạt” ra đầu câu và nghệ thuật nhân hóa “gió trêu tà áo biếc” tạo nên mối giao hòa giữa cảnh và người. Gió đồng cảm, chan hòa. Người phấn khởi, rạo rực, đắm say vừa dạo chơi vừa ca hát. Tiếng ca trong trẻo, du dương của họ được nhà thơ ví như “lời của nước mây” đang thầm thì, tha thiết…
Thi nhân diễn tả lời hát vang vọng, vắt vẻo qua những sườn đồi, ngọn núi lúc to, lúc nhỏ, lúc khoan thai, êm ái lúc dồn dập thiết tha bằng các từ tượng thanh “hổn hển”, “thầm thĩ”. Đồng thời, đại từ “ai” được đặt trong ngữ cảnh trở nên cụ thể, xác định. Do đó, tiếng hát của các cô thôn nữ trở thành “lời của nước mây” đang thì thầm với mùa xuân, thì thầm với tình yêu.
Trước cảnh xuân, tình xuân rạo rực, lòng người đi xa cũng bâng khuâng thổn thức nhớ lại những hình ảnh tươi đẹp của làng quê-nơi có bóng dáng người con gái đã từng làm trái tim anh thổn thức. Bằng việc sử dụng đại từ phiếm chỉ “chị ấy”, phép điệp vần “trắng”, “nắng”, từ láy “chang chang” và câu hỏi tu từ, hình ảnh người thương mà nhà thơ nhớ nhung hiện lên rất sống động, sắc nét.
Mùa xuân chín là một bức tranh mùa xuân nơi thôn dã, tất cả đều đậm vẻ xuân: xuân trong cảnh và xuân trong lòng người. Xuân phơi phới, lòng người phơi phới. Đó là một mùa xuân tươi đẹp đầy màu sắc và âm thanh.
                                                    Nguyễn Công Thanh
(Báo Giáo dục & Thời đại số 61 tháng 5/2001)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét