Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Tứ thơ và vai trò của tứ thơ

TỨ THƠ VÀ VAI TRÒ CỦA TỨ THƠ

1. Khái niệm tứ thơ được bàn tới cách đây hơn 1500 năm. Trong Văn tâm điêu long, ở thiên Thần tứ, Lưu Hiệp (đời nhà Lương) đã bàn rất sâu và rất kỹ về tứ. Theo ông, tứ thơ là một cái gì đó rất phi thường: “Cái tứ của văn chương, cái thần của nó xa lắm. Cho nên khi ta lặng lẽ ngừng suy nghĩ lại một chỗ thì cái tứ tiếp với ngàn năm. Ta trầm lặng thay đổi sắc mặt một chút thì cái nhìn của ta đã thông suốt đến vạn dặm”.
Ở Việt Nam, Phan Kế Bính, Bùi Kỷ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hà Minh Đức, Nguyễn Xuân Nam, Bùi Công Hùng, Mã Giang Lân… có bàn đến tứ thơ. Mỗi người có một cách trình bày riêng. Chế Lan Viên cho “tứ chẳng qua là ý lớn toàn bài” (Nghiên cứu văn học, 11/1961). Nguyễn Xuân Nam lại quan niệm “tứ là hình tượng xuyên suốt bài thơ” (Lý luận văn học, tập 2, Nxb Giáo dục, 1987). Gần đây, Nguyễn Hưng Quốc, một Việt kiều ở Úc, sau khi phê phán quan niệm về tứ thơ của Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Nam: “Một đằng thiên về ý, một đằng thiên về hình tượng. Nhưng lại giống nhau ở một điểm: bất cập”, đã nêu định nghĩa vắn tắt: “Tứ thơ là những suy nghĩ của trái tim trước cuộc đời” (Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam). Theo chúng tôi, định nghĩa này quá chung chung bởi vì “những suy nghĩ của trái tim trước cuộc đời” không chỉ có trong thơ mà còn có cả trong các thể loại trữ tình dào dạt cảm xúc như phú, văn tế, tuỳ bút…
Tuy chưa có một định nghĩa thống nhất về tứ nhưng về cơ bản các nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học đều nhấn mạnh đến sáng tạo cá nhân, sự hoà quyện giữa cảm xúc và suy nghĩ, giữa yếu tố chủ quan và khách quan trong tứ thơ.
2. Tứ thơ, theo nhiều nhà nghiên cứu, là một cái gì rất tổng hợp. Vì thế quá trình tìm tứ thơ cũng là quá trình tổng hợp. Nhà thơ phải vận dụng cùng lúc ba khả năng: cảm xúc, liên tưởng, suy luận. Chỉ khi nào ba yếu tố ấy nhập thân vào một hình tượng cụ thể tứ thơ mới hình thành. Chẳng hạn: Nỗi buồn “tràng giang” trong Huy Cận đã có từ lâu nhưng phải đến lúc gặp cảnh sông dài, trời rộng, bèo dạt, củi trồi, bến vắng… ý niệm lẻ loi của người viễn xứ càng sâu đậm, nỗi sầu li hương càng tha thiết thì tứ thơ “Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” mới bật lên.
Mặt khác, tìm tứ là quá trình phát hiện cái bất thường từ những cái rất mực bình thường. Sự xuất hiện của tứ thơ thường bất ngờ, khó đoán định trước nhưng không phải là một điều ngẫu nhiên, thần bí. Chẳng hạn: Thế Lữ hàng ngày đi qua vườn Bách thảo để đến toà soạn báo nhưng phải đến một buổi trưa hè, ngồi nghỉ cạnh vườn, nghe tiếng chân người làm vườn “uể oải kéo lê trên sỏi, ghê ghê cả người”. Lúc đó mới nghĩ đến con hổ bị nhốt trong này buồn biết bao. Từ đó nẩy ra tứ thơ “thương nhớ rừng”.
Tương tự, bài Núi đôi, theo Vũ Cao cũng xuất hiện tứ “núi vẫn đôi mà anh mất em” khi nhà thơ hành quân qua miền trung du, nhìn thấy hai ngọn núi đứng gần nhau, từ đó liên tưởng đến: núi còn - người mất. Phạm Ngọc Cảnh tìm được tứ bài thơ Vầng trăng Ba Đình rất bất ngờ. Trước đó Hải Như đã ví Bác với mặt trời: “Có một mặt trời trong lăng rất đỏ”. Ông thấy cách so sánh đó không hợp với phong cách giản dị, gần gũi của Bác nhưng chưa tìm được tứ. Một đêm, đi chơi ngoại thành gặp cảnh trăng rất sáng, trải ra mênh mang, nhà thơ bỗng nẩy ra liên tưởng ánh trăng đẹp, êm dịu với phẩm chất, nhân cách hiền hoà, gần gũi của lãnh tụ và tứ thơ “vầng trăng Ba Đình” bật ra.
Theo Nguyễn Hưng Quốc, sự hình thành tứ thơ phải trải qua ba giai đoạn:
- Đầu tiên, phải có một cảnh vật, một sự kiện cụ thể có khả năng gây ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc.
- Ấn tượng ấy cứ âm vang mãi trong tâm hồn, tạo nên những cảm xúc sâu đậm.
- Từ ấn tượng và cảm xúc ấy, nhà thơ phải vận dụng khả năng liên tưởng, tưởng tượng và suy luận để tìm ý, tìm chất liệu triển khai thành một bài thơ hoàn chỉnh.
3. Cấu trúc của tứ
Như trên đã nói, trong tứ có cảm xúc, suy luận, liên tưởng. Tứ nẩy sinh trên một nền cảm xúc cự kỳ phong phú. Nó được chỉ đạo bởi lý trí và có những liên tưởng mới mẻ, tạo ra ý bất ngờ thú vị. Đều lấy thi liệu từ ánh trăng đẹp đẽ, hiền hoà, thơ mộng nhưng mỗi nhà thơ lại có những liên tưởng khác nhau để tạo ra tứ. Chế Lan Viên, trong bài Trăng, liên tưởng trăng với “đôi mắt em”: “Giữa hai cây lại đôi mắt em nhìn/ Anh đến suối mặt em cười dưới suối/Lòng anh chạy cho lòng em theo đuổi/ Đêm ái tình đâu cũng mặt trăng em” (Đôi mắt em). Hàn Mạc Tử liên tưởng trăng với mỹ nhân đa tình “nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi” (Bẽn lẽn). Trần Đăng Khoa lại liên tưởng trăng với mắt cá: “Trăng tròn như mắt cá/ Chẳng bao giờ chớp mi” (Trăng ơi từ đâu đến).
4. Tứ thơ có tính phổ quát
Bài thơ nào cũng có tứ. Tứ thơ có khi hiện rõ, có khi kín đáo khó tìm thấy, phải nghiền ngẫm mới tìm ra. Tìm được cái tứ mới phát hiện được cái thần sắc, cái tinh tế, sâu kín nhà thơ gửi gắm trong đó. Có bài thơ, tứ hiện lên ở tên bài như Nhớ rừng, Ta đi tới, Vầng trăng Ba Đình; hoặc trong câu thơ, khổ thơ như Núi đôi, Bẽn lẽn, Cuộc chia li màu đỏ, Yêu nhưng cũng có những bài, tứ ẩn trong hình tượng như Thời gian, Gửi hương cho gió, Hy Mã Lạp Sơn. Chẳng hạn, bài Thơ duyên của Xuân Diệu tứ kín đáo. Ở đây, nẩy sinh tình cảm từ không đến có. Thiên nhiên xúi giục ta đến với nhau. Thiên nhiên dăng mắc lưới tình bẩy “anh” và “em” vào trong đó…
5. Về cấp độ
Có hai cấp độ: tứ toàn bài và tứ cục bộ (câu, đoạn). Trong bài Màu tím hoa sim (Hữu Loan) tứ toàn bài là màu tím hoa sim gợi bao nỗi niềm thương nhớ nhưng đồng thờ bài thơ cũng có tứ cục bộ như tứ trong các câu: “Nhưng không chết người trai khói lửa/ Lại chết người gái nhỏ hậu phương”; hay tứ trong đoạn: “Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc/ Nhận được tin em gái mất/ Trước tin em lấy chồng” để nói lên cái mất mát, tang tóc bao trùm lên cả dân tộc. Đồng thời, cái đau buồn, mất mát luôn hằn sâu, khắc khoải trong cõi lòng người ở lại.
6. Vai trò của tứ thơ
 Tứ thơ qui định sự sáng tạo của hình tượng thơ. Nó làm cho tư duy nhà thơ “loé sáng”. Nó rọi ra con đường để nhà thơ đi vào hoạt động sáng tạo.
Xét trên tổng thể, tứ thơ mang tính chất “khải thị” (bừng sáng), giúp cho nhà thơ ngay lập tức trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nào đó nhận ra tính chất toàn vẹn của vấn đề, của sự vật, hiện tượng đang đối diện với mình và thách thức cảm xúc, suy nghĩ của mình. Hay nói cách khác, Tứ thơ là một sự phát hiện - phát hiện của nhà thơ về bản thân và thế giới.
 Do tính chất phát hiện, tứ thơ đóng vai trò qui định âm hưởng, màu sắc, độ dài của bài thơ và có lúc cả thể thơ được tác giả lựa chọn. Chẳng hạn, giữa hình ảnh rặng liễu vào thu với hình ảnh cô gái xoã mái tóc buồn chẳng có mối liên hệ tất yếu gì nhưng trong bài Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, tứ thơ về sự chuyển mùa đáng giật mình của thời gian qua bước chân mùa thu đẹp thì mối liên hệ ấy trở nên tất yếu. Và chính nó làm cho âm hưởng bài thơ trở nên xôn xao buồn. Ở đây, tứ thơ đã qui định chiều hướng cảm xúc, âm hưởng, màu sắc của bài thơ.
Mỗi tứ thơ đòi hỏi phải có một thể thơ tương ứng. Có khi phải đổi thể thơ thì tứ thơ mới bật ra. Chẳng hạn: Bài Tràng giang Huy Cận phải chuyển từ lục bát sang thất ngôn; Đẹp xưa chuyển từ Đường luật sang lục bát.
Tóm lại: Công việc làm thơ trước hết là kiếm tứ. “Ngôn từ, lời chữ, vần rất quan trọng, bởi thơ là nghệ thuật của ngôn ngữ. Tuy nhiên, đó là cái quan trọng thứ hai, mà cái quan trọng thứ nhất làm rường cột cho tất cả là tứ thơ, nó chỉ đạo cả bài” (Xuân Diệu). Công việc của người bình thơ, phân tích thơ cũng phải tìm cho ra cái tứ trong bài. Khi tìm được tứ, ý, hình tượng, thần thái bài thơ sáng rõ, chúng ta dễ dàng lần được mạch cảm xúc và ý tứ nhà thơ gửi gắm trong đó.

7 nhận xét:

  1. nguyễn phong lợilúc 11:01 23 tháng 12, 2011

    phải chăng tứ thơ là cái nhìn mới lạ về thế giới này chăng.hay cái ảo mà thực thực mà ảo của thế giới bên kia.

    Trả lờiXóa
  2. Kính chào anh Thanh Công! Tôi là Lò Cao Nhum, Trưởng phòng biên tập báo Văn nghệ Hòa Bình, trước hết kính chúc anh cùng gia đình dồi dào sức khỏe và hạnh phúc. Tôi vào blog của anh, đã đọc bài "Tứ thơ...", muốn xin phép anh cho đăng bài này trên báo VNHB, anh đồng ý chứ. Nếu được anh mail cho tôi địa chỉ liên lạc của anh theo hộp thw: locaonhum@gmail.com

    Trả lờiXóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa

  4. Phân biệt Ý và Tứ

    Ý: Điều tác giả muốn nói đến
    Tứ: Cách để tiếp cận, diễn đạt ý

    Khi tác giả chọn cách nói trực tiếp, nói thẳng vảo điều muốn nói, bài thơ có ý và tứ giống nhau. Ý là tứ, tứ là ý, ý với tứ là một.
    Thí dụ:
    Anh Lái Đò của Nguyễn Bính
    Ý và Tứ là một: Anh lái đò nói về mối tình tuyệt vọng của mình.
    Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác
    Ý và Tứ là một: Hào khí của một sĩ phu trước cảnh đất nước điêu linh

    Khi tác giả không muốn nói trực tiếp, không muốn nói thẳng vào điều muốn nói mà mượn một hình ảnh khác, một sự kiện khác để thố lộ lòng mình, bài thơ có ý và tứ khác nhau. Ý là điều muốn nói; tứ là hình ảnh mượn để thố lộ lòng mình.
    Thí dụ:
    Ông Đồ Già của Vũ Đình Liên
    Tứ: Ông đồ ngồi bên phố viết câu đối thuê cho khách du xuân. Nay xuân đến, không thấy ông đồ nữa, nhiều người tiếc nhớ.
    Ý: Tác giả muốn nói đến nền nho học đang lụi tàn.
    Nhớ Rừng của Thế Lữ
    Tứ: Lời con hổ trong vườn bách thú tiếc nhớ những ngày còn là chúa sơn lâm, tự do vùng vẫy nơi rừng sâu núi cao- giang sơn của mình.
    Ý: Tác giả mượn lời con hổ để nói đến hào khí, ước mơ của chính mình.

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn bạn Phạm Đức Nhi. Lời bàn của bạn tuyệt vời. Đúng là có trường hợp ý và tứ trùng nhau. Nhưng phải nói rõ hơn là ý lớn (ý bao trùm toàn bài) và tứ trùng nhau. Đó phần nhiều là loại thơ luận đề.

    Trả lờiXóa
  6. tứ thơ là CÁCH TẠO DỰNG BÀI THƠ.cÓ HÀNG VẠN BÀI THƠ VỀ YÊU, VỀ MẸ ...NHƯNG KHÔNG BÀI NÀO TRÙNG GIỐNG VỚI BÀI NÀO.Cái khác nhau đó gọi làTỨ THƠ.

    Trả lờiXóa
  7. Hoan nghênh các tác giả đã giúp đọc giả yêu thơ hiểu biết hơn về thơ . Hiện giờ trên mạng , nhất là febook xuất hiện nhiều người làm thơ , lập ra nhiều nhóm thơ .nhưng đọc nhiều bài , tôi không biết là văn hay thơ !

    Trả lờiXóa