Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Một số vấn đề cơ bản về Nho, Phật, Lão

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ HỌC THUYẾT NHO, PHẬT, LÃO

1. NHO GIÁO
Nho giáo không phải là một tôn giáo mà là một học thuyết chính trị-xã hội có từ trước thời Khổng Tử. Vấn đề cốt lõi trong vũ trụ quan của Nho giáo là vấn đề thiên mệnh, một thuyết do Chu Công Đản đề cập đến ở đời Tây Chu (trước Khổng Tử cả trăm năm). Sang đời Đông Chu, Khổng Tử kế thừa, phát triển và hệ thống hóa các học thuyết của Chu Công Đản cho phù hợp với thực tế thời Xuân Thu.
Khổng Tử (551-480 TCN) tên là Khâu, tự là Trọng Ni. Ông trở thành bậc thánh của Nho giáo, ở đâu cũng làm đền thờ ông. Ông để lại cho đời quyển Luận ngữ (do các học trò ông sắp xếp lại) và sưu tầm, chú thích Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch; chỉnh lí, bổ sung Kinh Xuân Thu.
Các điểm nổi bật trong học thuyết của Khổng Tử:
- Trong vũ trụ quan, thuyết thiên mệnh là vấn đề quan trọng. “Trời” là một lực lượng khách quan, vận hành theo qui luật nội tại của nó, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. “Mệnh” được coi như sức mạnh ở bên ngoài con người và xã hội, chi phối và quyết định sự thành bại, hưng thịnh của một xã hội.
- Trong nhân sinh quan, vấn đề “quân tử, tiểu nhân” và vấn đề ‘nam tôn nữ ti” là những vấn đề mấu chốt. Quân tủ và tiểu nhân là hai tầng lớp đối lập nhau. Tính tốt của quân tử, tính xấu của tiểu nhân. Phụ nữ cũng bị coi như tiểu nhân: “Chỉ có phụ nữ và tiểu nhân là khó dạy”.
Học thuyết của Khổng Tử được Mạnh Tử và các nhà Nho đời sau kế thừa, bổ sung. Đến đời Hán Vũ đế, Nho giáo được nâng lên thành Quốc giáo và trở thành hệ tư tưởng chính thống của các triều đại phong kiến.
→ Nho giáo tin vào mệnh trời, chủ trương học để hành, để trị quốc, bình thiên hạ (chủ tương nhập thế).
2. PHẬT GIÁO
Phật giáo là một tôn giáo sinh ra từ nước Ấn Độ cổ, có nguồn gốc từ đạo Bà-la-môn. Người sáng lập là Thích ca Mâu ni (563-480 TCN), còn có tên gọi là Tất Đạt Đa. Ông là thái tử bỏ ngai vàng đi tu năm 29 tuổi. Sau nhiều năm tu luyện thì đắc đạo, đúc kết thành 4 phép kỳ diệu gọi là Tứ diệu đế.
- Khổ đế: Quan niệm cuộc đời là bể khổ. Cảnh khổ đau của con người do cái nghiệp của mình chi phối.
- Nhân đế: Nói lên nguyên nhân cảnh khổ đau đó (chủ yếu là do lòng tham của con người).
- Diệt đế: Nói lên phương pháp để thoát khỏi cảnh khổ đau (diệt lòng tham bằng cách tu hành. Đó là từ, bi, hỉ, xả).
- Đạo đế: Nói đến cách tu hành cụ thể để diệt dục theo tám phép chính  (bát Chính đạo) mà Phật đã vạch ra như Chính kiến, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính định, Chính tư duy, Chính tiến, Chính niệm.
 → Phật giáo tin vào cái bản thể đồng nhất của vũ trụ, chủ trương tu tâm tích đức nhằm diệt hết dục vọng của cuộc đời (chủ trương xuất thế).
3. LÃO GIÁO
Lão giáo là thuật ngữ để gọi học thuyết của Lão Tử, ra đời từ cuối thời Xuân Thu. Lão Tử tên là Lý Nhĩ, tự là Đam, cùng thời với Khổng Tử. Người đời sau gọi ông là Thái thượng Lão Quân.
- Về vũ trụ quan, Lão Tử quan niệm tự nhiên có quy luật biện chứng của nó: sinh, trưởng, suy, vong. Trời không phải là chúa tể thần bí mà cũng thể hiện tính qui luật của tự nhiên. Cái bản chất thuộc về qui luật tự nhiên biến hóa đó, Lão Tử gọi là Đạo. Đạo tồn tại độc lập ngoài ý chí con người và là nguồn gốc của loài vật.
- Về nhân sinh quan, Lão Tử cho rằng con người chỉ biết phục tùng qui luật tự nhiên một cách thụ động. Con người không chống được tự nhiên mà phải quay về với tự nhiên. Cái đức con người là ở chỗ “vô vi” (đừng làm cái gì trái với tự nhiên).
Trang Tử (369-386 TCN) đã phát triển chủ nghĩa duy tâm khách quan của Lão Tử thành chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Trang Tử cho rằng muôn vật xét đến cùng đều giống nhau, không có lúc khởi đầu, không có lúc kết thúc, không có sống nên không có chết mà luôn luôn thay đổi trạng thái cho nên chẳng cần tranh đấu trong cuộc sống làm gì. Tốt nhất là tìm một thế giới riêng, tiêu dao nhàn tản, mặc kệ ngày tháng trôi.
→ Đạo giáo chỉ tin vào qui luật tự nhiên (Đạo), phủ định ý chí tuyệt đối của trời, chủ trương sống vô vi, tĩnh tại (chủ trương xuất thế).
4. Ba hệ thống tư tưởng Nho, Phật, Lão có những chủ trương khác nhau nhưng đều có những điểm có lợi cho giai cấp phong kiến. Nho giáo chủ trương theo “mệnh trời”, phục tùng vu, tức theo trật tự phong kiến. Lão giáo chủ trương “vô vi”; Phật giáo chủ trương “diệt dục vọng cá nhân”, tỏ thái độ chịu đựng tiêu cực đối với thực tại, thủ tiêu ý chí đấu tranh. Do đó cả ba hệ tư tưởng đó được hợp nhất vào một hệ thống gọi là “Tam giáo đồng nguyên”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét