Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

Nguyên nhân học sinh không thích học văn

TÌM NGUYÊN NHÂN HỌC SINH KHÔNG THÍCH HỌC VĂN

Trong bài “Trăm dâu đừng đổ một… đầu tằm” (Giáo dục & Thời đại số 13 ngày 29/01/2005) anh Lê Trung nêu ra ba nguyên nhân dẫn đến môn Văn trong nhà trường xuống cấp, học sinh chán học văn là:
- Áp lực việc làm, nghề nghiệp.
- Văn hóa nhìn lấn át văn hóa đọc.
- “Cưỡi ngựa xem văn” trong giảng dạy văn học và sự lỏng lẻo trong thi cử.
Thoạt nhìn tưởng các luận điểm tác giả bài viết nêu ra đều đúng cả nhưng ngẫm kỹ thì thấy những điều trên chưa phải là những nguyên nhân cơ bản, cốt lõi.
Môn Văn học trong nhà trường “xuống cấp” có nhiều nguyên nhân, nhưng theo chúng tôi có hai nguyên nhân cơ bản sau:
1. Thầy cô giáo chưa toàn tâm toàn ý với nghề
Nghề nào cũng yêu cầu phải có chuyên môn giỏi, tình yêu nghề tha thiết. Nghề dạy học (nhất là dạy văn) yêu cầu đó càng cao. Đúng như bạn Nguyễn Tường Lân viết: “Để thành công trong một tiết dạy học, giáo viên cần soạn bài, lên lớp bằng trái tim, khối óc và năng lực riêng của mình chứ không thể mượn bộ óc của người khác thay thế, không thể dùng cái đầu người khác điều khiển cái lưỡi của mình (GD&TĐ số 11, ngày 25/01/2005). Thế nhưng có một thực tế đáng buồn là phần lớn giáo viên Văn học thường dùng các tài liệu “Hướng dẫn giảng dạy văn học”, “Phân tích bình giảng tác phẩm văn học” làm cẩm nang, chép thành giáo án rồi lên lớp “nói như sách”; có lúc nói rất hay nhưng chẳng hiểu mình đang nói gì bởi ý tứ ấy đâu phải là “máu thịt”, là “con đẻ” của người dạy. Như thế chẳng những bài dạy lộn xộn, vụng về, có khi “râu ông nọ chắp cằm bà kia” mà nguy hại hơn là học sinh cũng có các loại tài liệu đó. Vì vậy lòng kính trọng thầy cô của các em sẽ giảm sút. Những lời thuyết giảng phải sống chân thật, phải độc lập suy nghĩ trong khi làm bài của thầy trở thành mỉa mai trong con mắt học sinh. Bài dạy như thế, nhân cách người thầy như thế làm sao bảo học sinh thích học văn được!
Sở dĩ có tình trạng trên là do sinh viên sư phạm sau bốn năm ngồi trên ghế nhà trường đại học tiếp thu được một khối lượng kiến thức tương đối đồ sộ cả văn và tiếng; cả văn học trong nước lẫn văn học nước ngoài. Sau khi ra trường họ rất chủ quan, tự cho mình đã “học mười” nay chỉ “dạy một” nên có tư tưởng “xả hơi”. Nhưng chương trình văn ở đại học và ở THPT không giống nhau, họ không thể bê kiến thức học được ở đại học vào dạy ở THPT được. Từ đó có không ít người cho rằng học lắm cũng chẳng ích gì. Họ tìm các loại tài liệu sát sườn và bỏ dần thói quen đọc sách báo, tạp chí. Chưa có thống kê  nào nhưng qua thức tế chúng tôi thấy rất ít giáo viên văn đặt mua Báo Văn nghệ, Tạp chí Ngôn ngữ, Tạp chí nghiên cứu Văn học, Tạp chí Văn học và tuổi trẻ…Trong khi đó khoa học xã hội nói chung, Văn học nói riêng kiến thức thay đổi rất nhanh. Nếu anh không thường xuyên cập nhật kiến thức là trở nên lạc hậu, nói lại những điều người ta đã vứt vào rọt rác từ lâu.
Việc giáo viên Văn chưa “sống chết với nghề” có thể do các nguyên nhân sau:
- Đời sống của giáo viên tuy được cải thiện nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Đồng lương của giáo viên hiện nay chưa cho phép họ mỗi tháng trích ra vài trăm nghìn đồng để mua sách báo.
- Chưa có chính sách khuyến khích người tài mà còn mang tính bình quân, cứ “đến hẹn” lại lên lương như nhau. 
- Cách ra đề thi thiếu tính sáng tạo; cách làm đáp án và cách chấm thi coi trọng đủ ý hơn là ý hay. Cách hiểu ra đề “phải nằm trong chương trình” mang tính máy móc nên cả thầy và trò chỉ dạy và học một số bài cố định trong sách giáo khoa.
- Do ít đọc sách, ít viết bài cho báo, tạp chí… nên tình yêu văn chương của thầy cô cứ nguội dần theo năm tháng.
2. Học sinh chưa yêu văn chương, phụ huynh xem nhẹ vai trò của môn Văn
Điều này đầu tiên là hệ quả của việc thầy dạy dở, dạy đối phó; sau nữa là do học sinh không có lòng say mê văn chương. Có người lớn tiếng bảo “học sinh yêu văn học”, rồi họ chỉ ra truyện tranh in không đủ bán, nhiều học sinh đọc truyện trong lớp… Chỉ căn cứ vào các hiện tượng đó mà khẳng định học sinh yêu văn chương thì đúng là chỉ “nhìn thấy cây mà không thấy rừng”. Việc đọc sách của học sinh chủ yếu nhằm thỏa mãn trí tò mò, các em chỉ đọc một số truyện tranh có nhiều yếu tố hoang đường hay li kỳ hoặc các loại truyện tình mùi mẫn còn mảng thơ ca và các loại truyện khác các em hình như không ngó ngàng đến. Vả lại, học sinh đọc để mà đọc, để thỏa mãn trí tò mò chứ không nhằm đọc để khám phá cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Sau khi các em đọc say mê một đống truyện tranh nếu ai đó bảo các em nêu một vài nhận xét về truyện đó thì các em sẽ lè lưỡi lắc đầu bỏ đi. Do đó chúng ta cũng chẳng lấy làm lạ là tại sao học sinh không đọc kỹ tác phẩm, không soạn kỹ lưỡng các bài văn trong sách giáo khoa trước khi đến lớp, không chịu suy nghĩ để cùng thầy khám phá nội dung và nghệ thuật bài văn, bài thơ.
Học văn là học người. Học văn giỏi không chỉ giúp học sinh khám phá thế giới nghệ thuật, hiểu biết sâu sắc cuộc sống, ứng xử tốt hơn trong mọi mối quan hệ hàng ngày mà còn giúp các em học tốt các môn học khác. Thế nhưng phần lớn phụ huynh quan niệm chưa đúng vai trò của môn Văn. Họ cho môn Văn không quan trọng bằng các môn thuộc khoa học tự nhiên và ngoại ngữ; rằng học văn dễ, không cần đầu tư nhiều thời gian công sức cũng có thể học được, làm được bài chứ không phải “cắn bút” như môn Toán, Lí, Hóa. Từ sai làm tai hại đó mà họ chỉ nhắc nhở con em mình ngày đêm luyện giải các dạng bài tập Toán, Lí, Hóa hoặc tìm những thầy cô giỏi các môn đó cho con em mình theo học.
Nói tóm lai môn Văn “xuống cấp” là do từ cả hai phía: người dạy và người học nhưng trách nhiệm đầu tiên và chủ yếu thuộc về người dạy. Khi đọc bài này chắc chắn có nhiều đồng nghiệp phản đối và trách cứ chúng tôi sao dám vơ đũa cả nắm, sao cứ đổ lỗi cho giáo viên. Xin các bạn hãy bình tâm và ngẫm lại xem trong đời mình có được mấy bài giảng chúng ta “khơi những nguồn chưa ai khơi”, tìm tòi phát hiện ra những tầng ý nghĩa chìm lấp trong tác phẩm để truyền cảm xúc đến cho học sinh? Trong trường các bạn có được mấy giáo viên văn ngày đêm miệt mài đèn sách, lao tâm khổ tứ vì thơ văn, vì bài dạy? Trường các bạn có được bao nhiêu phần trăm học sinh yêu văn chương, say mê học Văn đến quên ăn quên ngủ?

                                                             Nguyễn Công Thanh
(Báo Giáo dục & Thời đại số 26/2005)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét