Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Tâm sự nàng Thúy Vân-Thơ Trương Nam Hương

TÂM SỰ NÀNG THÚY VÂN
(Trương Nam Hương)

Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim

Ơ kìa! Sao chị ngồi im
Máu còn biết chảy về tim để hồng
Lấy người yêu chị làm chồng
Đời em thế thắt một vòng oan khiên

Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thương kẻ khuất, đừng quên người còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu

Là em nói vậy thôi Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo nước mắt đáy sông Tiền Đường

Chị nhiều hờn giận yêu thương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lừa con tim

Em thành vợ của chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
Giấu đầy đêm, nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!

Lời bình của Nguyễn Quang Tuyên
Bao đời nay, bàn luận về nỗi đau của Thúy Kiều thì dễ có mấy ngàn trang. Nhưng bàn luận về nỗi đau của Thúy Vân thì tôi mới chị gặp ở bài “Tâm sự nàng Thúy Vân" của Trương Nam Hương.
Bài thơ được viết theo thể lục bát như một lời tâm sự, mang âm hưởng của ngôn ngữ Truyện Kiều, đậm đặc tính trữ tình và có khá nhiều nhãn tự.
Mười lăm năm trời bặt vô âm tín. Ngờ đâu có ngày hội ngộ. Hai chị em được dịp tâm sự với nhau. Tác giả đã để cho Thúy Vân đối diện với chị và tự bộc bạch nỗi lòng của mình: Nghĩ thương lời chị dặn dò/ Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh/ Chị yêu lệ chảy đã đành/ Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim…/ Lấy người yêu chị làm chồng/ Đời em thể thắt một vòng oan khiên.
Chỉ có Thúy Vân mới hiểu được nỗi đau đớn của mình. Nhưng nàng đã giấu kín điều đó: Giấu đầy đêm, nối khát khao. Giấu kín nỗi đau của mình cũng là để thực hiện trọn vẹn lời dặn dò của chị. Cho đến ngày sóng yên bể lặng mới nói ra. Nói ra không phải để kể công với chị mà là để mong được chị chia sẻ với mình. Chị đã biết thương Đạm Tiên, người nằm yên dưới mồ, lẽ nào lại không biết thương người đương sống. Em đau khổ vì em chưa được yêu.  Mà sức mạnh của tình yêu thì như chị đã biết đấy: Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu.
Người đọc bỗng nhận ra một điều: Nỗi đau của Thúy Vân là nỗi đau của một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Một cuộc hôn nhân chỉ nhằm thực hiện một mục đích đạo lý.
Mà đúng thế thật! Từ khi Kim Trọng kết hôn với Thúy Vân suốt mười lăm năm trời, người đọc đâu có dược chứng kiến những phút giây âu yếm, hạnh phúc của hai người. Trái lại tâm tưởng của Kim Trọng lúc nào cũng nghĩ đến Thúy kiều. Hình ảnh Thúy Kiều luôn ngự trị trong trái tim Kim Trọng. Có lúc như một sự đồng hiện, vừa thực vừa mơ: Dường như trên nóc, trước thềm/ Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng/ Bởi lòng tạc đá ghi vàng/ Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây. Quả thật trong trái tim Kim Trọng không có chỗ đứng cho Thúy Vân. Với chàng, Thúy Kiều là người yêu duy nhất. Thúy Vân nhận biết điều đó, nên càng nghĩ càng thấy chua chát, cô đơn, kể cả lúc đã con dắt, con bồng. Hóa ra mình chỉ là người thay chị làm vợ, thay chị sinh con như một cái máy sinh học chứ có tình cảm gì đâu: Em thành vợ của chàng Kim/ Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao. Thật là dễ sợ! Và cũng thật là xót xa, cay đắng!
Ngồi kể khổ với chị nhưng lại sợ chị phật ý vì Vân biết chị còn khổ hơn mình nhiều nên như đánh bài hòa: Là em nghĩ vậy thôi Kiều/ Sánh sao đời chị ba chiều bão giông/ Con đò đời chị về không/ Chở theo nước mắt đáy sông Tiền Đường. Mấy câu thơ thật hay, khái quát được số phận cay đắng của nàng Kiều.
Dẫu thế, chị vẫn có được niềm hạnh phúc mà em chưa thể có. Đó là tình yêu của chàng Kim đối với chị. Chị là người đã được yêu, được nhớ thương hờn giận, được âu yếm hẹn hò: Chị nhiều hờn giận yêu thương/ Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò/ Em chưa được thế bao giờ/ Tiết trinh thương chị đánh lừa con tim
Một sự so sánh thật chi li nhưng cũng thật chua xót. Chị quá khổ nhưng em cũng có sướng đâu. Đến đây ta mới thực sự nhận ra một điều nữa. Thế là cái xã hội phong kiến mục nát ấy không chỉ làm cho Kiều khổ mà Vân cũng phải khổ lây. Có điều nỗi khổ của Kiều thì xưa nay mọi người đều biết, còn nỗi khổ của Thúy Vân thì không phải ai cũng nhận ra, phải đợi đến Trương Nam Hương. Anh đã có một cách tiếp cận Truyện Kiều thật độc đáo- một sự đồng sáng tạo cùng thi hào Nguyễn Du, một cách nhìn rất hiện đại về hạnh phúc và tình yêu- đã phát hiện được một điều mới mẻ, đầy thú vị.
Tâm sự nàng Thúy Vân có thể coi như một đoạn thơ bổ sung cho Truyện Kiều ở phần tái ngộ. Nó có một sự liên kết rất logíc với nội dung Truyện Kiều. Trong Truyện Kiều, Thúy Vân rất ít bộc lộ tính cách của mình. Có người cho Thúy Vân là cô gái vô tư, đơn giản, kể cả khi Thúy Kiều nhờ thay chị kết duyên với Kim Trọng, một việc hệ trọng như vậy mà cũng không thấy Vân nói gì. Thái độ im lặng lúc ấy là đúng, chị còn dám bán mình chuộc cha, hy sinh cả mối tình đầu, lẽ nào mình lại khước từ. Nhưng im lặng không có nghĩa là ưng thuận.
Phải đến ngày tái ngộ, Vân mới nói thực lòng mình: Gặp cơn bình địa ba đào/ Vậy đem duyên chị buộc vào cho em. “Buộc vào” là áp đặt, chứ còn gì nữa. Và cũng chính vì áp đặt nên em mới phải Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh. Phải chi Nguyễn Du sống lại, Cụ cũng không thể không chia sẻ nỗi đau này.
Toàn bộ câu chữ của Truyện Kiều như đã được thẩm thấu qua tâm hồn của Trương Nam Hương để anh có được những câu thơ như được sinh ra từ Truyện Kiều, như là hơi thở của Nguyễn Du.
Rồi những “lệ” và “sụt sùi”, những “oan khiên” và “máu chảy”, những “số phận vuông tròn”… là những ngôn từ tạo nên sự liên kết giữa bài thơ và Truyện Kiều một cách nhuần nhuyễn.
Chỉ có mười hai cặp lục bát mà nói được tâm sự éo le của Thúy Vân, một người phụ nữ đã đi được quá nửa cuộc đời mình mà vẫn còn khát khao: Kiều ơi em đợi kiếp nào để yêu. Chắc chắn Trương Nam Hương đã phải thai nghén bằng nỗi đau của Thúy Vân nên mới sinh thành được một đứa con tinh thần đầy ấn tượng như vậy.
                                 (Báo Văn nghệ số 26, ra ngày 28-6-2008)


VÀI LỜI CHIÊU TUYẾT CHO THÚY VÂN

Xưa nay có hai cách nhìn nhận, đánh giá nhân vật Thúy Vân trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: một chia sẻ, cảm thông, yêu mến; một thờ ơ, hững hờ, trách móc. Gần đây, trong bài Thúy Vân, em là ai (THT số 277+278) TS. Lê Thu Yến một lần nữa đứng về quan niệm thứ hai chê trách Thúy Vân vô tâm, vô cảm.
Ai cũng biết chủ ý của nhà thơ xây dựng nhân vật Thúy Vân là để làm nền cho nhân vật Thúy Kiều. Thúy Vân đẹp là thế nhưng khi Kiều xuất hiện, người đọc thấy Vân nhạt nhòa, khuôn cứng. Tuy thế, Nguyễn Du vẫn dành cho Vân nhiều tình yêu: Hoa cười, ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. Gặp Kim Trọng, vẫn cũng e lệ nép vào dưới hoa. Có điều, Vân là con người của lễ nghĩa, gia giáo “đoan trang” nên không có cái nhìn sắc sảo, tình yêu bùng nổ như chị. Cũng chính vì con người lễ nghĩa nên Vân không kích động trước nấm mồ Sè sè nấm đất bên đường của người ca sĩ Sống làm vợ khắp người ta, cho nên cất tiếng trách chị Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.
Việc Vân nhận lời khẩn cầu của Thúy Kiều Xót tình máu mủ thay lời nước non, theo tôi vì hai lẽ:
Thứ nhất: Thúy Kiều cầu xin quá tha thiết (lạy lục, xin xỏ, cầu cạnh):
Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi mới thưa
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Thứ hai: Kim Trọng là một người tài hoa phong nhã. Vân đã gặp, đã được giới thiệu và nàng rất cảm kích:
Trộm nghe thơm nức hương lân
Một nền đồng tước khóa xuân hai Kiều.
Mặt khác, đêm trước ngày phải xa gia đình, Kiều không ngủ được là lẽ thường tình. Bên cạnh nỗi đau chung, nàng xót xa vì mối tình riêng với chàng Kim. Lời thề Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời; Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai không thực hiện được, Kiều suy nghĩ, đắn đo và cuối cùng nhờ em thay mình. Còn Vân vừa nhỏ dại hơn lại chẳng có chuyện riêng gì cần nghĩ ngợi nên đắm chìm trong “giấc xuân” cũng là lẽ thường tình. Mà có riêng gì Vân, những bậc sinh thành (vừa được Kiều cứu thoát) cũng chợt tỉnh giấc nồng khi Kiều khóc cho đến ngất đi.
Còn lời nói nối duyên cho chị trong buổi đoàn viên lại xuất phát trong tâm trạng vui sướng cực độ sau mười lăm năm xa cách. Vả lại, Vân lúc này không thực sự tỉnh táo mà đang ở trong trạng thái Tàng tàng chén cúc dở say. Thêm nữa, nàng hiểu nhầm chủ ý của chị khi Kiều chào: Này chồng, này mẹ, này cha/ Này là em ruột, này là em dâu nên khơi mào cho chị. Thương chị quặn lòng, Vân nói điều đó. Thương mình khôn xiết, nàng quá chén “dở say”.
Tóm lại: Thúy Vân tuy là con người “đầy đặn”, “đoan trang”, không có cái “sắc sảo mặn mà” như Thúy Kiều nhưng cũng không phải là hạng “xuất hiện ba lần mà lần nào cũng trơ như hòn đá” hay “vô tình nhiều quá”.
Bản thân tôi, có khi hứng cũng vịnh Kiều:
Thúy Vân cùng với chàng Kim
Dẫu là chăn gối vẫn thèm tình yêu
Càng thương cho phận Thúy Kiều
Sắc tài toàn vẹn phải liều bán thân!
Mà chưa hẳn đã đúng với suy nghĩ cặn kẽ khi phân tích nhân vật.
                                                                         Nguyễn Công Thanh
                 (Tạp chí Tài hoa trẻ số 291/2003)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét