Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

Đổi mới phải đồng bộ

ĐỔI MỚI PHẢI ĐỒNG BỘ
                                                                   
Sau khi đọc kỹ các bài “Từ một chuyện kiểm tra lại” của Tầm Ưu và hai bài trao đổi của Nguyễn Tố Nam (THT 491), Đồng Viết Tạo (THT 492) về phương pháp ra đề kiểm tra của cô giáo Đào Giáng Vân, trường PTTH Lê Trung Kiên, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên, chúng tôi, xin được trao đổi thêm một số vấn đề sau:
1. Về cách ra đề kiểm tra của cô Đào Giáng Hương
Thứ nhất: Ở đây, Tầm Ưu chỉ đề cập đến phương pháp kiểm tra mới (nói chính xác hơn là phương pháp kiểm tra lạ) chứ chưa cho biết cô Vân dạy theo phương pháp mới như thế nào! Cách dạy mới đó có phù hợp với cách ra đề này không? Vì thế, chúng tôi không đủ dự liệu và cơ sở để bàn về vấn đề đổi mới cách dạy của cô Vân.
Thứ hai: Học sinh “tự ra thêm 2 bài nữa dựa vào bài mẫu mà cô đã cho”. Vậy học sinh dựa vào dạng toán hay chỉ là thay số so với bài của cô? Nếu chỉ thay số thì chẳng có tác dụng phát triển tư duy, khơi gợi năng khiếu toán học. Còn dựa vào dạng toán cô ra để các em ra đề thì không đủ thời gian. Trong thời gian hơn 20 phút (một bài kiểm tra 1 tiết 45 phút), học sinh làm sao có đủ thời gian để ra 2 bài toán. Tuy các em không ghi vào bài kiểm tra lời giải nhưng  phải tính toán để tìm ra nghiệm số cùng lời giải ở giấy nháp. Đó là chưa nói đến hành văn, tính logíc, tính thực tiễn của bài toán. Chẳng hạn, có bài toán: “Chu vi của một thửa ruộng là 30 mét, biết rằng chiều dài hơn chiều rộng 5 mét. Hãy tính diện tích của thửa ruộng ấy.”. Bài toán đủ về dự kiện, đúng về logíc nhưng xa rời thực tiễn vì không có thửa ruộng hẹp như thế. Thời gian kiểm tra 1 tiết không đủ để học sinh ra đề thì bài kiểm tra 15 phút các em sẽ sao xoay xở ra sao?
Thứ ba: Đối tượng học sinh của cô giáo Vân là học sinh PTTH ở một huyện, nghĩa là học sinh đại trà chứ không phải thuộc học sinh khối chuyên toán. Trong  4 lớp 11 cô Vân dạy, không phải em nào cũng có năng khiếu và tư duy toán học. Do đó, sẽ có  không ít học sinh gặp khó khăn trong việc giải 2 bài toán cô ra chứ chưa nói đến việc ra thêm 2 bài nữa theo mẫu. Qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học cao đẳng vừa qua, chúng ta thừa biết khả năng toán học nói riêng và học lực học tập của học sinh PTTH như thế nào. Vì vậy, cách ra đề kiểu này là “đột phá”, “sáng kiến” hay chỉ là hình thức?
Thứ tư: Đổi mới phải đồng bộ và trải qua một quá trình: lí luận-thực nghiệm-kiểm chứng, đúc rút kinh nghiệm-thực hiện đại trà. Cách ra đề kiểm tra của cô Vân không trải qua quá trình trên mà cô âm thầm thí điểm thì đây là đổi mới hay chỉ là việc làm tuỳ hứng? Học sinh không phải là đối tượng để giáo viên thử nghiệm. Giả dụ, giáo viên các môn khác cũng ra đề như cô Vân (văn: viết truyện, làm thơ; sử: kể chuyện danh nhân; vật lý: mắc mạch điện, tin học: xây dựng phần mềm…) thì trường Đông Hoà phải xây dựng lại chương trình! Mặt khác, cách ra đề thi của cô Vân có phần giải bài, có phần ra bài mới nhưng đề thi lên lớp, đề thi tốt nghiệp và đề thi tuyển sinh  của Sở Giáo dục và Bộ Giáo dục-Đào tạo không ra theo kiểu ấy. Khi đó, học sinh không làm được bài, kết quả thi không tốt, ai phải chịu trách nhiệm?
2. Lãnh đạo trường PTTH Đông Hoà, Phú Yên
Tổ trưởng tổ toán và Ban giám hiệu trường PTTH Đông Hoà, Phú Yên, theo chúng tôi có nhiều sai sót trong việc xử lý vụ việc này.
Thứ nhất: Nhà trường đã buông lỏng quản lý chuyên môn-một vấn đề không thể chấp nhận được đối với một trường học. Suốt cả năm học, cô Vân thực hiện cách kiểm tra không theo khuôn mẫu mà từ tổ trưởng tổ toán đến Hiệu phó phụ trách chuyên môn không hề hay biết. Điều đó chứng tỏ ở trường PTTH này không thực hiện chế độ dự giờ thăm lớp, không kiểm tra (dù chỉ là xác suất) các bài kiểm tra của học sinh. Từ đây, người đọc có quyền nghi ngờ về tinh thần trách nhiệm và năng lực điều hành của lãnh đạo trường Đông Hoà.
Thứ hai: Khi sự việc vỡ lỡ, thì Hiệu trưởng nhà trưởng nóng vội giải quyết “hậu hoạ” bằng cách huỷ kết quả những lần kiểm tra trước và bắt hàng trăm học sinh vô tội trong một thời gian ngắn phải làm 2 bài kiểm tra 1 tiết và 2 bài kiểm tra 15 phút. Những tưởng đây là cách sử lý nghiêm, nhằm thực hiện đúng qui chế chuyên môn nhưng thực chất là việc làm phản khoa học, không có tính giáo dục, yếu về năng lực sư phạm. Muốn người học làm bài thi tốt thì phải có thời gian cho người ta ôn luyện. Vậy mà ông hiệu trưởng Lê Đức Kỳ bắt học sinh 4 lớp trên phải làm 4 bài kiểm tra vào giữa tháng 5-lúc các em đang ôn thi học kỳ 2! Chất lượng 4 bài kiểm tra này rõ ràng không đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh, nhất là những em sức khoẻ yếu.
Mặt khác, việc để cô Vân thành “người ngoài cuộc” có đúng qui chế không khi cô chưa nhận được một quyết định kỷ luật nào? Hơn nữa, cách làm ấy dễ tạo nên sự hiểu lầm của phụ huynh và học sinh đối với cô. Uy tín của cô liệu có được như trước không?
3. Theo chúng tôi, lãnh đạo trường PTTH Đông Hoà, Phú Yên khi phát hiện được vụ việc trên cần bình tĩnh giải quyết, có những bước đi thích hợp, vừa đạt tình vừa thấu lý.
Trước hết, phải để cho cô Vân trình bày đầy đủ “những đột phá trong phương pháp giảng dạy” của cô trong năm học qua. Tiếp đó, cho hội đồng giáo dục thảo luận, góp ý về cách đổi mới đó. Nếu thấy những đột phá ấy là phù hợp với xu thế đổi mới thì đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng trong toàn trường và báo cáo lên cấp trên (dưới dạng sáng kiến kinh nghiệm). Kết quả các lần kiểm tra cô Vân thực hiện dĩ nhiên được chấp nhận. Ngược lại, hội đồng giáo dục trường kết luận những đột phá của cô Vân là tuỳ tiện, phản khoa học… thì nhà trường vẫn để học sinh 4 lớp trên ôn thi học kỳ 2 bình thường. Sau khi các em thi xong, có thể tổ chức cho các em thi lại (1-2 bài) kết hợp với điểm thi học kỳ để đánh giá kết quả môn toán cả năm cho các em.
Sau đó, yêu cầu cô Vân, tổ trưởng tổ toán và Hiệu phó chuyên môn làm kiểm điểm. Dù đột phá trong phương pháp giảng dạy của cô Vân đúng hay sai thì cô vẫn chịu trách nhiệm về sự tuỳ tiện trong vấn đề chuyên môn và ý thức vô tổ chức kỷ luật. Còn hai người kia chịu trách nhiệm về tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý.
                                                                      Nguyễn Công Thanh
                                                                     (Tài hoa trẻ số 499)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét