Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Tự khúc-liều thuốc đặc trị cho những người thất tình

                                     TỰ KHÚC

Em ngồi dưới ánh đèn
Vẫn nỗi cô đơn xoãi trên trang giấy
Cánh hoa khô khẳng khiu
Còn níu lại chút hương con gái

Em gom hết nỗi đau suốt cuộc tình vụng dại
Làm cạn kiệt trái tim mình
Giọt mưa chợt đến vô tình
Lộp độp quăng vào quá khứ

Em gom những mảnh cô đơn những đêm buồn rũ
Thảng thốt tiếng mèo hoang
Những lời than xoãi dọc xoãi ngang
Lật qua một trang…

Và mở tung cửa sổ ra, em hát
Cùng hạt mưa khuya
Vớt trái tim máu nóng ùa về
Bên đoá hoa toả hương yêu, ngan ngát.
                                                                         ( Trần Thị Khánh Hội)

Lời bình của Nguyễn Công Thanh:
         Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh nhân vật trữ tình đang ngồi một mình dưới ánh đèn trong đêm: “Em ngồi dưới ánh đèn/ Vẫn nỗi cô đơn xoãi trên trang giấy”. Cũng như bao thi sĩ Đông Tây kim cổ khác, Khánh Hội cũng mượn không gian trống vắng của đêm khuya để bộc lộ nỗi lòng cô đơn của mình. Từ “xoãi” làm cho nỗi cô đơn như có hình, có ảnh đang ngự trị, đang tràn ngập cả tâm hồn thi nhân. Thế nhưng ai ngờ trong tro có lửa. Trong cành khô còn có nhựa sống. “Hương con gái” vẫn còn dù chỉ là một chút. Động từ “níu lại” chỉ sự dằng co,  níu giữ thời tuổi trẻ đẹp đẽ, mộng mơ. Nỗi ám ảnh về thời gian một đi không trở lại đã được nói nhiều trong thơ nay lại được Khánh Hội tái hiện. Xưa Xuân Hương bực bội với xuân đất trời: “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại”. Xuân Diệu xót xa: “ Mùi tháng năm đều rớm lệ chia phôi/ Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt”. Còn Khánh Hội có tiếc nuối nhưng không buông xuôi mà vẫn hy vọng“ còn níu lại chút hương con gái”.
          Khổ thơ thứ hai, thứ ba mở đầu bằng hành động “ gom” của chủ thể: “ Em gom hết nỗi đau…”, “ em gom những mảnh cô đơn…”. Nỗi đau, nỗi cô đơn buồn tủi càng “gom” càng tràn ra, trào lên:“ Sầu đông càng lắc càng đầy/ Ba thu dọn lại một ngày dài ghê” (Kiều-Nguyễn Du), do đó mà nó cứ “xoãi” ra. Lần lượt “suốt cuộc tình vụng dại làm cạn kiệt trái tim mình” đến “ những mảnh cô đơn những đêm buồn rũ”.Cuộc tình vụng dại làm cạn kiệt trái tim” là những cuộc tình xốc nổi, bùng nổ, vô tư, không tính toán của tuổi trẻ. Dẫu biết rằng: “Yêu là chết ở trong lòng một ít” (Xuân Diệu) nhưng vẫn lao vào một cách hăm hở. Vì thế, nỗi đau này không hẳn là nỗi đau ân hận xót xa mà chủ yếu là nỗi đau tan vỡ, có phần nuối tiếc. Từ “chợt” chỉ sự xuất hiện đột ngột; từ “vô tình” chỉ sự vô thức ngoài chủ định.. Từ tượng thanh “lộp độp” được đảo ra đầu dòng, cùng động từ chỉ hành động mạnh “quăng” gây tác động mạnh tạo sức biểu cảm lớn. Nó chỉ hành động dứt khoát của chủ thể. Dứt khoát với nỗi đau của những cuộc tình vụng daị. Dứt khoát với những day dứt, tiếc nuối trong lòng.
          Tiếp đến, chủ thể lại “Gom những mảnh cô đơn những đêm buồn rũ”. Không phải là một, là vài mà là “những”, là thời gian dài dằng dặc của những đêm trường thao thức không ngủ, một mình đối diện với buồn đau, cô độc. Bất chợt “tiếng mèo hoang” rùng rợn giũa đêm khuya vắng lặng phá tan dòng suy tư, đưa chủ thể trở về thời hiện tại. Cách dùng cái động để diễn tả cái tĩnh là đặc trưng nổi bật của thơ ca. Đó là tiếng quạ:“ Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên”, là tiếng chuông: “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” trong Phong Kiều dạ bạc (Trương Kế), là tiếng gà: “Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom”, tiếng trống: “Canh khuya văng vẳng trống canh dồn” trong Tự tình (Hồ Xuân Hương). Có điều “ tiếng mèo hoang” thảng thốt gọi tình lúc gần, lúc xa, lúc to, lúc nhỏ rất hợp với tâm trạng của nhân vật trữ tình. Vì thế, cùng với tiếng mèo hoang là “Những lời than xoãi dọc xoãi ngang” bật ra. “ Những lời than” được trãi ra trong không gian nhiều chiều.
       Tưởng như chủ thể sẽ hoà nhịp với tiếng mèo. Than thân trách phận, hận đời, chửi trời như bao mô típ chúng ta từng gặp trong văn chương. Nhưng không! Tứ thơ chuyển đột ngột: “Lật qua một trang…”. Một trang mới trong cuộc đời “em” đã được mở ra. Toàn bộ quá khứ với những nỗi đau, những mảnh cô đơn, những đêm buồn rũ đã được “em” gom lại. Dấu chấm lửng (…) vừa giúp nhà thơ nói được rất nhiều vừa để cho người đọc thả sức mà tưởng tưởng theo cách hiểu của mình. Câu thơ này là câu bản lề khép mở hai phần của bài thơ. Do đó, bài thơ tuy bốn khổ nhưng có thể chia làm hai phần. Phần đầu gồm mười một câu thơ đầu. Đây là quá khứ buồn đau được hồi tưởng để rồi “gom” nó lại, “quăng vào quá  khứ”. Còn phần sau là năm câu thơ cuối (kể cả câu thơ bản lề). Số lượng câu chữ tuy chiếm chưa đầy  một nửa nhưng sức nặng của bài thơ nằm ở phần cuối của bài.
       Trang mới lật ra, “em” mở  lòng với thiên nhiên, giao hoà với đất trời: “Và mở tung cửa sổ ra, em hát/ cùng hạt mưa khuya”. Thiên nhiên đất trời đã giúp em lấy lại niềm tin yêu cuộc đời. Hạt mưa khuya thanh sạch tắm gội bầu trời đã góp phần tắm gội quá khứ cho em. Chính tấm lòng phơi phới đã cứu vớt, nâng đỡ mạch sống đang âm ỉ trong “cánh hoa khô khẳng khiu” có cơ hội “toả hương yêu, ngan ngát”. Tuổi trẻ hồi sinh, tình yêu trở lại . Em lại hát, lại ca, lại yêu  đời như chưa hề có lần vấp ngã.
      Điều thú vị là các khổ thơ đều mở đầu bằng hoạt động của chủ thể. Nếu khổ một, hai, ba là : em ngồi - em gom  quá khứ đau buồn thì ở khổ cuối là hành động em  mở tung cửa sổ và ca hát cùng thiên nhiên, đất trời. Dù trải bao thác ghềnh, vật lộn với phong ba dữ dội nhưng cuối cùng con thuyền đã đi đúng hướng, tìm được bến mới cho cuộc đời mình. Bài thơ tuy có nói đến đau, buồn, cô đơn nhưng âm hưởng chủ đạo là lòng yêu đời, lạc quan vào cuộc sống. Khúc ca vang lên cuối bài thơ cứ ngân mãi trong lòng người đọc vì thế có thể coi “Tự khúc là liều thuốc đặc trị cho những ai thất tình, mất lòng tin vào cuộc đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét