Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Cao thủ-Truyện Mini

CAO THỦ

Nhiều sếp sắp đến ngày về hưu thường buồn và bị sốc. Riêng ông lại khác hẳn. Ông không những rất vui vẻ mà còn thông báo cho cả cơ quan biết cuối năm này mình sẽ nghỉ hưu để nhường ghế giám đốc cho lớp trẻ. Tiếp đó, ông còn nói thêm: “Cấp trên
giao cho tôi tìm người kế nhiệm trước khi nghỉ. Họ gợi ý nên đề bạt bà trưởng phòng nọ, ông phó giám đốc kia nhưng tôi nghĩ không ai quen việc và hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công nhân viên cơ quan ta bằng chính các đồng chí lãnh đạo trong cơ quan ta. Các đồng chí phó giám đốc và các trưởng phòng A, H… đều có thể đảm đương tốt công việc này”.
Sau những lời vàng ngọc đó, trong cơ quan hình thành năm bè bảy phái. Đứng đầu các bè phái là các sếp được giám đốc gợi ý trong cuộc họp cơ quan. Phe cánh của họ thi nhau tâng bốc sếp mình và nói xấu các sếp kia. Những lời thì thầm rỉ tai dần dần chuyển thành các cuộc đấu khẩu công khai. Các sếp gầm ghè nhau. Nội bộ cơ quan lục đục. Mâu thuẫn càng ngày càng gay gắt. Công việc sản xuất bị đình trệ. Tối tối, họ thậm thà thậm thụt đến nhà giám đốc. Cùng với phong bì phong bao là những lời hứa hẹn với giám đốc khi mình được lên chức và những lời chỉ trích gay gắt về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác của các đối thủ. Ông chỉ trầm ngâm ngồi nghe và không quên bật công tắc máy ghi âm nhỏ xíu đặt trong túi quần.
Đơn thư ở cơ quan tới tấp gửi lên cấp trên. Một đoàn thanh tra được cử về để làm rõ sự việc. Chẳng mấy chốc họ tìm ra nguyên nhân là do các phó giám đốc và một số trưởng phòng gây ra. Từ cuộn băng ghi âm ông cung cấp, đoàn thanh tra đề nghị cấp trên xử lý kỷ luật những người vì động cơ cá nhân làm mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Trong thời gian chưa có người thay thế, ông tiếp tục làm giám đốc cơ quan.
                                                      Nguyễn Công Thanh
(Báo Giáo dục &Thời đại số 42/2003)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét