Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

Nhớ nghề-Truyện Mini

NHỚ NGHỀ

Trước đây, Tuấn làm nghề dạy học. Lương giáo viên “ba cọc ba đồng” không đủ nuôi con ăn học nên anh phải xin thôi việc. Tiền trợ cấp “nhận một lần” cộng thêm tiền vay mượn nội ngoại, anh mua được một mảnh vườn bên bờ suối để trồng rau. Nhờ siêng năng cần cù và biết áp dụng kỹ thuật canh tác nên vườn rau nhà anh tốt lắm. Rau xanh non mơn mởn, mượt mà. Chỉ nhìn đã thấy ngon con mắt. Ngoài những loại rau thông thường theo thời vụ, Tuấn còn biết lợi dụng khí hậu mát mẻ của Tây Nguyên vào mùa hạ để trồng rau trái vụ và những giống rau cao cấp như su lơ, đậu ngự… nên rau của anh được các chủ vựa ở thành phố bao tiêu trọn gói. Cứ vài ngày họ lại cho người đánh xe vào lấy hàng.
Tuấn giàu lên nhanh chóng từ vườn rau. Anh đã cất được ngôi nhà hai lầu xinh xắn bên bề suối. Các con anh đang theo học tại các trường đại học lớn ở thủ đô. Ước mơ những đêm trăng sáng, ngồi hớp nguyệt nghiêng chén, nghe nhạc suối thì thầm của anh đã thành hiện thực. Nhưng anh vẫn cảm thấy thiếu hụt một cái gì. Nhìn dòng suối uốn lượn quanh co, anh nao nao nhớ câu Kiều: Dưới cầu nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha. Ngắm ánh trăng vàng thơ mộng, anh lại nhớ vầng trăng trong ca dao, trong Truyện Kiều, trong thơ Puskin, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính… Vì thế, tính khí anh trở nên thất thường. Có những lúc anh ngồi bần thần hàng giờ dưới ánh trăng.
Một đêm, chị thức giấc thấy anh vừa đi đi lại lại trong thư phòng vừa lẩm bẩm: “Ô đề! Hay! Hay thật! Chỉ một tiếng quạ kêu mà làm bừng tỉnh cả không gian tĩnh mịch…”. Hoảng quá, chị kêu lên: “Anh! Anh làm sao thế!”. Anh quay về phía chị thẹn thùng như người làm một việc vụng trộm bị bắt quả tang.
Sáng hôm sau, chị đến gặp Sơn-bạn thân với anh-hiện đang làm hiệu trưởng một trường phổ thông trung học lớn của thành phố nhờ giúp đỡ. Nghe chị nói xong, Sơn cười và bảo: “Tuấn không sao đâu. Nó nhớ nghề ấy mà. Em về bảo Tuấn đến đây anh chữa cho!”

                                                               Nguyễn Công Thanh
         (Báo Giáo dục & Thời đai, số 127/2002)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét